Trên 2 tuyến đường lớn qua Hưng Yên là quốc lộ 5 và 39, ngay cửa ngõ tỉnh và cửa ngõ thành phố Hưng Yên, du khách đã nhìn thấy những tấm biển quảng cáo du lịch của tỉnh. Biển quảng cáo cỡ lớn giới thiệu với du khách các hình ảnh nổi tiếng của Hưng Yên như: Văn Miếu Xích Đằng, 1 trong 6 văn miếu tôn vinh truyền thống hiếu học của cả nước, nhãn lồng, sen thơm… Những tấm biển quảng cáo đẹp, đặt đúng tầm nhìn, gây ấn tượng và thu hút sự chú ý của nhiều người đã góp phần tích cực trong công tác quảng bá du lịch của tỉnh.
 |
Văn Miếu Xích Đằng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên). Ảnh tư liệu |
Những năm gần đây quy mô, phạm vi hoạt động và chất lượng quảng bá, xúc tiến du lịch của Hưng Yên đã được mở rộng, nâng cao. Hàng năm, ngành du lịch đều phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương thực hiện các chương trình quản bá về du lịch Hưng Yên như: S Việt Nam- hương vị cuộc sống, Phố Hiến- Hưng Yên, vẻ đẹp xưa trong lòng thành phố; đặc sản Hưng Yên- thưởng thức để nhớ… Ngoài ra, hàng vạn ấn phẩm phục vụ du lịch được xuất bản và tái bản.
Bên cạnh đó, hàng năm, nhiều chương trình khảo sát và hội thảo đánh giá điểm đến du lịch Hưng Yên được tổ chức, như: chương trình khảo sát tuyến du lịch đường sông Hà Nội – Hưng Yên; hội thảo xây dựng phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên; hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên… đã mang lại nhiều dấu ấn. Nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư trong tỉnh về vai trò, vị trí của ngành du lịch được nâng lên. Một số điểm du lịch của Hưng Yên đã trở nên nổi tiếng và tạo dựng được thương hiệu với du khách như: Khu di tích Phố Hiến, cụm di tích Đa Hòa- Dạ Trạch; đền Phù Ủng, làng Nôm, lễ hội dân gian Phố Hiến...
Đặc biệt, trong công tác quảng bá và xúc tiến du lịch ngoài tỉnh, ngành du lịch tỉnh đã ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch, như: chương trình hợp tác phát triển du lịch Quảng Ninh và 8 tỉnh thành phố phía Bắc với thành phố Hồ Chí Minh; hợp tác phát triển du lịch với các tính khu vực đồng bằng sông Hồng và phụ cận; khảo sát điểm đến, kết nối tuor du lịch với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng…
Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn chú trọng xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch mới, bên cạnh sản phẩm nhãn lồng, gà đông tảo, hạt sen, mật ong... quen thuộc, Hưng Yên còn có nhiều sản phẩm mới tại các địa phương như: cam Quảng Châu, hương Cao Thôn, bánh răng bừa… hứa hẹn tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tới tham quan.
Công tác xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng đã được quan tâm nên trong giai đoạn từ 2006 – 2014, gần 60 tỷ đồng đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư vào một số tuyến đường, bến cảng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác du lịch tại một số khu, điểm di tích. Sau 5 năm, kinh phí cấp cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch tăng gấp 3 lần…
Những năm gần đây, du lịch Hưng Yên đã có những bước phát triển đáng kể, sản phẩm du lịch đa dạng hơn và từng bước cải thiện về chất lượng. Số lượng khách đến Hưng Yên có xu hướng tăng. Năm 2016, Lượng du khách đến với Hưng Yên vào năm 2012 đạt gần 220 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt gần 78 tỷ đồng, đến năm năm 2016 đã tăng gần gấp đôi, đạt 420 nghìn lượt du khách, tổng doanh thu đạt 105 tỷ đồng. Ðây là con số tăng trưởng đáng khích lệ, có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
 |
Cầu Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm). Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, so với tiềm năng du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nhìn chung khá đơn điệu, thiếu sáng tạo và chuyên nghiệp. Hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung và chưa quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến lượng khách du lịch đến Hưng Yên đạt thấp so với các tỉnh trong khu vực.
Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của Hưng Yên mới tập trung quảng bá hình ảnh, chưa tạo dựng và quảng bá được những sản phẩm đặc thù và thương hiệu du lịch, hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch còn thấp, chưa tạo tiếng vang và sức hấp dẫn. Một số địa danh du lịch nổi tiếng như: Khu di tích quốc gia Phố Hiến; cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch; cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông; cụm di tích Đền Ủng … dù đã được quảng bá nhưng hình ảnh vẫn chưa đậm nét...
Đến nay, sản phẩm, dịch vụ du lịch của Hưng Yên còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Du lịch Hưng Yên mới chỉ tập trung khai thác các di tích lịch sử và lễ hội, cảnh quan sông Hồng còn các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể chưa được khai thác. Thị trường khách du lịch còn hạn chế. Chủ yếu là khách du lịch nội địa, chưa tiếp cận được với thị trường khách có khả năng thanh toán cao, thời gian lưu trú dài. Chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia tích cực vào hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh. Việc thu hút đầu tư và xã hội hóa trong du lịch còn ít ỏi. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch vừa yếu, vừa thiếu. Ngay cả việc cung cấp thông tin cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, các công ty lữ hành và khách du lịch. …
Xác định đúng về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến, quảng bá trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Hưng Yên, năm 2016, Hưng Yên ban hành đề án Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, khi Ban thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành kế hoạch số 60/KH-TU về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch càng cần có những thay đổi đột phá để chủ động, mạnh mẽ và hiệu quả hơn... góp phần xây dựng Hưng Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có tính cạnh tranh cao và uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước.