Tăng lương tối thiểu vùng tác động không nhiều đến chi phí, sản xuất kinh doanh của DN
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật nhấn mạnh, việc coi trọng phát triển doanh nghiệp (DN) ở nước ta ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam ước tính đang sử dụng gần 14 triệu LĐ, chiếm gần 64% số LĐ làm công ăn lương và hơn 35% lực lượng LĐ có việc làm của cả nước… Phát triển nguồn lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của DN là một trong những vấn đề cơ bản, cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam.
|
Viện trưởng Viện CNCĐ Vũ Quang Thọ nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu |
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CNCĐ, từ các kết quả khảo sát cho thấy, do mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn nhiều so với các năm trước đó nên tác động đến chi phí, sản xuất kinh doanh không nhiều, DN vẫn phát triển ổn định. Đối với NLĐ, mức tăng lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng kỳ vọng của họ.
Đánh giá về mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập cho thấy: 22,7% hài lòng; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. NLĐ bức xúc về tiền lương, thu nhập và mong muốn được giải quyết chiếm 57,2%.
Viện CNCĐ kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện chính sách phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, khắc phục bất cập giữa đào tạo với sử dụng, dẫn đến tình trạng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp với số lượng lớn, gây lãng phí nguồn lực.
Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu, đảm bảo giá trị tiền lương thực tế của NLĐ, để việc tăng lương hằng năm có ý nghĩa thiết thực. Có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng phục vụ đời sống cho NLĐ tại các khu công nghiệp (KCN) và đô thị tập trung.
Xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của NLĐ
Theo TS Trần Thị Minh Phương, Đại học Lao động – Xã hội, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân NLĐ, gia đình của họ và tái sản xuất sức lao động của NLĐ. Khi đời sống của NLĐ được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm làm việc và sẽ cố gắng làm việc một cách hiệu quả, do vậy, năng suất lao động (NSLĐ) sẽ tăng lên.
Vẫn theo TS Phương, về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của NLĐ, tăng lương phải dựa trên tăng NSLĐ. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần đảm bảo đủ sống và kích thích tăng NSLĐ; tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động chủ yếu là về vấn đề tiền lương (hơn 80% các cuộc ngừng việc tập thể là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca…).
TS Phương nhận định, trình độ của lao động trong DN có tác động tích cực đến NSLĐ trong DN. Như vậy, việc đào tạo ngoài DN hay trong DN đều đóng vai trò quan trọng đến tăng NSLĐ trong DN. Tuy nhiên vẫn còn bất cập trong xã hội về đào tạo, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhu cầu về kỹ năng, trình độ và các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của DN là việc làm ưu tiên. Sự minh bạch thông tin trong nền kinh tế cũng là động lực thúc đẩy tăng NSLĐ.
|
Hội thảo khoa học quốc gia “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam” - Ảnh: Minh Châu |
“Như vậy, sự điều chỉnh chính sách tiền lương của Nhà nước cũng như của DN cần thiết phải xem xét đến lợi ích của NLĐ nhằm xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của NLĐ, đó là động lực để NLĐ cống hiến, góp phần thúc đẩy NSLĐ chung trong nền kinh tế” - TS Phương nhận định.
Còn theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp - trình độ từ cao đẳng trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 27,2% trong tổng số lao động thất nghiệp. Trong khi thị phần thất nghiệp của nhóm “đã qua đào tạo nghề” (bao gồm: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) hay nhóm “chưa qua đào tạo/đi học” là rất thấp (tương ứng 5,3% và 2,2%).
Sở dĩ có điều này là do nhóm lao động này sẵn sàng làm các công việc giản đơn trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Đồng thời, phần nào chỉ ra sự bất hợp lý giữa ngành nghề đào tạo với yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện vẫn tồn tại. Những hạn chế, yếu kém nói trên của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (Năm 2016, Việt Nam xếp vị trí 60/138 nền kinh tế được WEF đánh giá về năng lực cạnh tranh).
“Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của DN, thị trường lao động; góp phần tạo việc làm, nâng cao NSLĐ, tăng thu nhập cho NLĐ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, cần tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và tăng cường sự tham gia của DN trong hoạt động GDNN”, ông Sâm kiến nghị./.
Nguồn: baohungyen.vn