Dân gian tương truyền rằng có một vị quan đi tuần qua đúng mùa nhãn chín, ngài nếm thấy hương vị đậm đà khó quên, biết đây là sản vật quý, ngài bèn đem tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi với tên khác là nhãn tiến vua. Nhà bác học Lê Quý Đôn khi ăn nhãn tiến vua đã mô tả: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”. Hương vị và nhiều nét đặc trưng của Nhãn lồng Hưng Yên đã đi vào đời sống và thơ ca:
“Dù ai buôn Bắc bán Đông
Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”
Nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm. Hương vị Nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm.
|
Niềm vui mùa nhãn ngọt |
Nhãn lồng Hưng Yên có được danh tiếng và đặc thù như vậy là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn mà không một vùng đất nào có thể thích hợp trồng để cây nhãn cho quả chất lượng ngon như ở Hưng Yên.
Ngày 23.1.2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ra Quyết định số 186/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00055 cho sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý.
Việc công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên có giá trị hơn, được bảo vệ tốt hơn khi đưa ra thị trường, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, đây còn là điều kiện để đưa Nhãn lồng Hưng Yên đi xa. Đồng thời là cơ sở để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử, để đón nhiều hơn khách hàng và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đặt hàng xuất khẩu.
Giới hạn vùng phân bố chỉ dẫn địa lý được xác định gồm 64 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Đây là những khu vực trồng nhãn tập trung, chất lượng tốt của toàn tỉnh.
Việc cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ có ý nghĩa với địa phương, doanh nghiệp, với các hộ trồng nhãn, mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính những người dân, người tiêu dùng.
Hợp tác xã nhãn Hồng Nam từ 2 năm nay bắt đầu triển khai trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay khi nằm trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý, hợp tác xã đã có phương án bổ sung thêm nhãn mác cho quả nhãn. Đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Thinh, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) vào những ngày cuối tháng 8, vừa nhẹ nhàng xếp những chùm nhãn trĩu quả vào túi lưới, rồi gắn tem truy xuất nguồn gốc, chuẩn bị mang đi tham dự Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), ông Thinh vừa trò chuyện với chúng tôi: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc, giá trị sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên được nâng cao, giá thành tăng hẳn lên. Các nhà vườn tiêu thụ cũng thuận lợi hơn, người mua cũng yên tâm, tin tưởng hơn.
Theo ông Thinh, để quả Nhãn lồng Hưng Yên được gắn tem truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi quả nhãn phải đáp ứng đủ yêu cầu về trọng lượng quả, màu sắc vỏ, độ đường và đặc biệt cây nhãn đó phải được trồng, chăm sóc, bảo vệ theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì yêu cầu khắt khe về chất lượng nên 1 kg nhãn lồng của Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam bán ra thị trường gắn tem truy xuất nguồn gốc dù có giá thành cao gấp đôi nhãn bán ngoài thị trường nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh. Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Người trồng nhãn Hưng Yên rất chịu khó thâm canh, chăm sóc nhãn. Bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người trồng nhãn đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Vụ nhãn năm nay, Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu trồng được 10 ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ sản lượng nhãn này đã được Siêu thị VinEco ký hợp đồng tiêu thụ. Theo ông Tám, sau khi Nhãn lồng Hưng Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì giá bán sản phẩm được nâng lên. Các siêu thị, nhà phân phối tại các thị trường bán lẻ trực tiếp về thu mua, đóng gói và đưa vào hệ thống bán lẻ mà không phải vất vả cạnh tranh với nhãn có nguồn gốc từ Thái Lan, nhãn rừng...
Bà Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Nhãn lồng Hưng Yên là cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư bảo tồn nguồn giống, phát triển vùng sản xuất nhãn lồng trên các vùng địa lý tương đồng, mở rộng vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý, tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để phát huy và khai thác các giá trị của chỉ dẫn địa lý cần có sự quyết tâm của các bên liên quan, đặc biệt đối với các chủ vườn. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của tổ chức Hội nhãn lồng tỉnh.
Nguồn: Báo Hưng Yên