Xã Đức Hợp có hơn 180 héc-ta đất nông nghiệp vùng đất bãi. Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế vùng bãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả của xã có trên 60 héc-ta, nhiều diện tích cấy lúa, trồng ngô, đỗ thu nhập thấp đã được chuyển đổi sang các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như: Chuối tiêu hồng, táo, ổi, cây cảnh... cho thu nhập trên 330 triệu đồng/héc-ta/năm.
Những năm qua, xã đã phát triển được vùng trồng chuối với diện tích hơn 110 héc-ta. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, vùng trồng chuối tập trung diện tích lớn của xã đã hình thành các điểm tập kết, thu mua chuối tại chỗ cho người dân; một số hộ trồng chuối đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất... Nhờ đó, sản lượng, chất lượng chuối quả tăng, hằng năm, 40% sản lượng chuối của xã được các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ, sản phẩm chuối của xã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao; 70% diện tích trồng chuối của xã được chứng nhận đạt VietGAP. Trong những tháng đầu năm nay, nông dân trong xã đã thu hoạch được gần 5 nghìn tấn chuối quả tươi, tăng khoảng 10% so với cùng thời điểm năm 2023. Mỗi sào trồng chuối, nông dân có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Anh Bùi Văn Thường, thôn Đức Trung cho biết: Với hơn 3 héc-ta trồng chuối, tôi trồng đan xen chuối tiêu hồng và chuối tây. Tham khảo phương pháp canh tác, tôi trồng mật độ thưa để giảm sâu bệnh, dễ chăm bón, kết hợp cân đối dinh dưỡng để chuối cho buồng to, quả đều. Đến vụ thu hoạch, thương lái về tận ruộng thu mua.

Nông dân xã Đức Hợp (Kim Động) thu hoạch chuối
Những khoảng đất trống được người dân trong xã tận dụng trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn vật nuôi. Vừa kết hợp thức ăn công nghiệp, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp giúp người chăn nuôi giảm được từ 20 đến 30% chi phí thức ăn. Đồng thời, nông hộ trong xã phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y – khuyến nông địa phương tiêm phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi và theo dõi sát tình hình dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, tổng đàn bò thịt và bò sữa trong xã có trên 550 con; đàn lợn có gần 2 nghìn con; đàn gia cầm có hơn 70 nghìn con… Nhận thấy bò sữa không chỉ thích ứng tốt với nhiều loại thức ăn, đồng thời, sữa được bao tiêu bởi các công ty sữa, tạo nguồn thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân đầu tư nuôi bò sữa. Cùng với nguồn phế phẩm dồi dào, người dân áp dụng biện pháp ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò; cây ngô, đậu tương… là nguồn thức ăn, phối trộn cùng thức ăn công nghiệp để bảo đảm dinh dưỡng và chất lượng sữa sau khai thác. Anh Trần Văn Chuyên, thôn Đức Phú cho biết: Hiện nay, gia đình tôi thường xuyên nuôi 50 con bò sữa đang cho khai thác sữa. Để tăng năng suất và chất lượng sữa, ngoài việc chọn được giống bò tốt thì nguồn thức ăn phải bảo đảm và hợp vệ sinh. Vì vậy, đàn bò khỏe mạnh, cho sữa nhiều và đều, chất lượng sữa được bảo đảm, có con đạt từ 25 đến trên 30kg sữa/ngày.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng bãi của xã ngày càng phát triển, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị, sản lượng. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được trải bê tông; đường trục thôn, liên thôn có chiều dài 10km được bê tông hóa 100%; đường trục chính nội đồng có tổng chiều dài 12km được bê tông hóa 100%. Các tuyến đường góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của xã, phục vụ tốt lưu thông hàng hóa và đi lại của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Đức Hợp cho biết: Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã Đức Hợp đạt khoảng 600 tỷ đồng, trong đó, thu từ nông nghiệp đạt trên 200 tỷ đồng; tỉ lệ hộ nghèo còn 0,63%; tỉ lệ hộ cận nghèo còn 0,46%... Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế vùng đất bãi, thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng VietGAP; phối hợp với đơn vị chuyên môn mở thêm các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hỗ trợ các hoạt động về thị trường tiêu thụ nông sản, cung ứng giống nông nghiệp…
https://baohungyen.vn/xa-duc-hop-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-vung-bai-3172880.html