
Chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị của nông dân xã Bình Kiều (Khoái Châu) cho hiệu quả kinh tế cao
Thực hiện Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025” (viết tắt là Đề án chuỗi); thời gian qua, trong tỉnh đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hình thành và tổ chức sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt như: Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngũ Phúc, xã Tam Đa (Phù Cừ) liên kết 144 hộ dân và các đơn vị chứng nhận trồng 21,7 héc-ta cam đạt tiêu chuẩn VietGAP; HTX sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh (Kim Động) liên kết với Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam (chi nhánh tỉnh Phú Thọ) tiêu thụ nguyên liệu trà hoa cúc, sâm ích mẫu; HTX dịch vụ tổng hợp xã Việt Hưng (Văn Lâm) liên kết với Công ty cổ phần thương mại Hoa Nam trồng 45 héc-ta khoai tây vụ đông và liên kết với Viện Dược liệu Trung ương trồng 10 héc-ta cây dược liệu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình chăn nuôi và giết mổ lợn theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, nuôi lợn thịt theo hướng an toàn sinh học, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm (giò chả, xúc xích...) của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Lữ, xã Thụy Lôi (Tiên Lữ), đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm với các trang trại lợn thịt trong xã và vùng lân cận; HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (Khoái Châu) liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch tại các huyện Văn Giang và Văn Lâm; các hộ chăn nuôi bò sữa của các huyện Văn Giang, Kim Động và thành phố Hưng Yên liên kết với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thu mua sữa bò với sản lượng bình quân 2.000 tấn sữa/năm. Trong lĩnh vực thuỷ sản, HTX nuôi trồng thuỷ sản xã Hạ Lễ (Ân Thi) liên kết tiêu thụ cá thịt thương phẩm với các bếp ăn công nghiệp ở thị xã Mỹ Hào và các huyện Kim Động, Văn Lâm, hằng tháng tiêu thụ 15-20 tấn cá thịt thương phẩm...
Thực hiện Đề án chuỗi, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương hỗ trợ 90 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; chế biến kinh doanh nông sản. Đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ hệ thống cấp, thoát nước; hỗ trợ nhà lưới; hỗ trợ hệ thống điện; hỗ trợ thiết bị máy chế biến sản phẩm cho các mô hình tại thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng điều kiện sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, sở phối hợp tổ chức chứng nhận, duy trì, mở rộng VietGAP, VietGAHP được hơn 558 héc-ta, 74.530 con gia súc, gia cầm, 40 lồng cá, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng với sản lượng hơn 14.628 tấn rau, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản an toàn và 3.750.000 quả trứng ra thị trường. Cùng với đó, sở hỗ trợ tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả, thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, cá, sản phẩm chế biến từ cá; hộp đựng sản phẩm nhằm quảng bá sản phẩm; tư vấn xây dựng logo, nhãn hiệu, thiết kế bao bì, bảo hộ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bao bì sản phẩm; tư vấn công bố tiêu chuẩn sản phẩm chế biến...
Đồng chí Trịnh Kim Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Thực hiện Đề án chuỗi, nhiều tổ chức, cá nhân có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có biện pháp quản lý và xây dựng kế hoạch sát với nhu cầu của thị trường, sản phẩm từng bước đáp ứng yêu cầu của khách hàng và quy định về sản xuất thực phẩm. Các cơ sở chủ động được thị trường và có nhiều đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định với giá thành cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình, như đối với chuỗi rau có giá bán cao hơn thị trường 20-30%; chuỗi quả có giá bán cao hơn khoảng 30%; chuỗi thịt giá bán cao hơn khoảng 10%; chuỗi thủy sản giá bán cao hơn 15-30%.
Để tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tổ chức mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm có chất lượng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, thành lập các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực, đặc sản, xây dựng thương hiệu cho từng vùng, địa phương. Tăng cường hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giám sát việc thực hiện quản lý ghi chép hồ sơ sử dụng vật tư nông nghiệp như thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, luồng di chuyển của sản phẩm.
https://baohungyen.vn/san-xuat-nong-nghiep-theo-chuoi-gia-tri-3173454.html