Theo báo cáo tại buổi giám sát, từ năm 2021 đến nay, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện được tổ chức thường xuyên. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, đã xử phạt vi phạm hành chính 22 đơn vị, với tổng số tiền gần 985 triệu đồng.
Các đại biểu dự buổi giám sát
Đối với bảo vệ môi trường công nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp khi được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Nước thải phát sinh tại các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Phố Nối A được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty TNHH Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên để xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
Về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, 80/80 thôn, phố có tổ, đội vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, vận chuyển để xử lý bằng công nghệ đốt. Mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được nhiều người dân thực hiện…
Về bảo vệ môi trường làng nghề, trên địa bàn huyện có 18 làng nghề và làng có nghề, trong đó có làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh) và làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được xử lý triệt để. Đến nay, 52,5% số hộ gia đình của làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được di dời vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung. Đối với làng nghề tái chế chì Đông Mai, 100% số hộ làm nghề tái chế chì đã di dời khỏi khu dân cư vào khu sản xuất tập trung…
Về môi trường đô thị, y tế, trên 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Chất thải y tế được thu gom, xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ở một số xã, thị trấn còn diễn ra tình trạng đổ, đốt rác thải tại khu vực tập kết rác thải, khu vực công cộng... Tại nhiều làng nghề vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các xã, thị trấn còn chưa kịp thời...
Tại buổi giám sát, các thành viên tổ giám sát đề nghị UBND huyện Văn Lâm làm rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện công tác bảo vệ môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến yêu cầu: UBND huyện Văn Lâm tiếp thu ý kiến của thành viên trong tổ giám sát để hoàn thiện báo cáo gửi tổ thư ký để tổng hợp, báo cáo. Đồng thời, đề nghị, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng và chất thải môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền được giao. Có kế hoạch, phương án di dời những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý việc đổ rác thải, chất thải rắn không đúng quy định, giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường, không để hình thành các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân…
Trong chương trình làm việc, Tổ giám sát số 1 tiến hành khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Toko Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Ngọc; làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh).
https://baohungyen.vn/giam-sat-chuyen-de-tinh-hinh-thuc-hien-quy-dinh-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-giai-doan-2021-2024-t-3172162.html