Năm nay, gia đình anh Đỗ Mạnh Hà ở thị trấn Văn Giang chuẩn bị khoảng 300 chậu bưởi cảnh các loại để phục vụ thị trường cuối năm. Dẫn chúng tôi vào thăm vườn bưởi lúc lỉu quả trong tán lá, anh Hà chia sẻ: Nếu để tự nhiên, chỉ khoảng 30% số quả trên cây đạt tiêu chuẩn vì vậy phải ghép bổ sung. Tùy vào kích cỡ cây mà số lượng quả ghép sẽ khác nhau, dao động 200 – 400 quả/cây to và 100 – 150 quả/cây nhỏ. Năm nay, tôi mua trên 4 vạn quả từ các nhà vườn thuộc các tỉnh Hòa Bình và Tuyên Quang để về ghép cho vườn bưởi của gia đình.

Nông dân thị trấn Văn Giang ghép quả vào cây bưởi cảnh
Mùa ghép quả trên cây bưởi cảnh thường được các nhà vườn thực hiện từ khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Quả được lựa chọn để ghép khi còn non, tròn đều, trọng lượng khoảng 2,5 – 3 lạng, cuống to. Quả non sau khi hái cần được ghép vào cây “mẹ” càng sớm càng tốt, đồng thời có biện pháp theo dõi, chăm sóc phù hợp. Anh Nguyễn Văn Tình ở thôn AB Quang Trạch, xã Liên Nghĩa cho biết: Quả khi được ghép nếu không chăm sóc cẩn thận có thể bị rụng bất cứ lúc nào. Sau khi ghép quả vào cây phải tiến hành bọc nón che nắng, đồng thời tưới nước thường xuyên, phân bón cách nhau từ 15- 20 ngày/lần để cây không bị “bội thực”.
Thời gian ghép quả vào cây mẹ chỉ diễn ra khoảng 1 tháng, trong điều kiện thời tiết nắng ráo. Để bảo đảm thời vụ, các chủ vườn có quy mô lớn thường thuê thêm nhiều thợ ghép với chi phí dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/người/ngày.
Anh Nguyễn Văn Tình ở xã Tân Tiến – một thợ ghép quả cho biết: Đội chúng tôi có 4 - 7 người, trong đó thợ nam phụ trách ghép quả, còn thợ nữ thì bọc nón che nắng cho quả. Mùa này, thời tiết nắng nóng nên chúng tôi thường bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng và kết thúc buổi chiều muộn. Nếu làm đều đặn thì một tháng tôi đạt thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Tại các địa phương có diện tích trồng cây giống, cây cảnh lớn trong huyện đã hình thành nhiều đội thợ chuyên làm công việc này. Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Nghĩa cho biết: Từ kinh nghiệm nhiều năm trong ghép mắt cây giống người dân địa phương tìm tòi, thực hiện thành công kỹ thuật ghép quả vào cây. Hiện nay, toàn xã có khoảng 100 nhóm thợ chuyên nhận ghép thuê cho các nhà vườn ở trong huyện và nhiều tỉnh, thành phố khác. Các nhóm thợ này phần lớn là nam giới. Thu nhập từ nghề này rất khá, trung bình 600.000 – 700.000 đồng/ngày công/thợ. Nếu làm khoán thì tiền công là 3.000 - 4.000 đồng/quả bưởi ghép, một người thợ lành nghề có thể đạt thu nhập 1 triệu đồng/ngày.

Quả bưởi sau khi ghép được bọc nón che nắng
Gần 20 năm kinh nghiệm, ông Hoàng Mai Giang ở xã Liên Nghĩa chia sẻ: Làm nghề này phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng thao tác. Muốn quả ghép phát triển bình thường, người thợ cần khéo léo ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi ni lông ở vết ghép. Nếu quá trình ghép quả không đạt chuẩn, một thời gian ngắn quả bưởi sẽ rụng.
Hiện nay, huyện Văn Giang có khoảng 150 héc-ta bưởi cảnh tập trung chủ yếu ở các xã Liên Nghĩa, xã Long Hưng và thị trấn Văn Giang… Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ghép quả là công đoạn vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng cây bưởi cảnh cũng như thu nhập vụ cuối năm. Các nhà vườn cần tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi và khi quả bưởi còn non, chưa vào nước để thực hiện. Năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vì vậy các nhà vườn cần chủ động theo dõi để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, kịp thời phòng trừ sâu bệnh...
https://baohungyen.vn/nong-dan-van-giang-vao-mua-ghep-qua-tren-cay-buoi-canh-3172204.html