Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5 nghìn héc-ta trồng nhãn các loại, trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm từ 5 đến 7%, được trồng ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên… Năm nay, sản lượng nhãn chín sớm ước đạt khoảng 5 nghìn tấn.
Ông Đăng Văn Xây, Giám đốc HTX nhãn lồng Hồng Nam thu hoạch nhãn chín sớm
Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Hồng Nam, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có trên 12 héc-ta trồng nhãn, trong đó có hơn 1 héc-ta trồng nhãn chín sớm. Bằng kinh nghiệm lâu năm, các nhà vườn ở đây đã làm chủ kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả và tạo ra được 3 thời kỳ thu hoạch nhãn là: Trà sớm, trà trung và trà muộn. Trong đó, nhãn chín sớm và nhãn chín muộn cho giá bán cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhãn chính vụ, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác. Để sản lượng nhãn chín sớm ổn định, tránh tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”, các chủ vườn áp dụng biện pháp kỹ thuật từ việc theo dõi thời tiết, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến khâu chăm sóc hoa và quả. Ưu điểm của nhãn chín sớm là không bị áp lực cạnh tranh với nhãn của các tỉnh khác, được thị trường ưa chuộng. Ông Đặng Văn Xây, Giám đốc HTX nhãn lồng Hồng Nam có 1,6 mẫu trồng các giống nhãn như: Đường phèn, T6, Hương Chi… Trong đó, tỉ lệ nhãn thực hiện các biện pháp cơ học để kích thích ra hoa, đậu quả sớm chiếm 90% diện tích. Hiện tại, nhãn chín sớm của gia đình ông Xây bán buôn tại vườn trung bình 50 nghìn đồng/kg và cung không đủ cầu. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng từ trồng nhãn. Những ngày này, HTX đang tích cực thu hoạch diện tích nhãn trà sớm, tập trung chăm sóc nhãn chính vụ chuẩn bị cho thu hoạch vào trung tuần tháng 8. Ông Xây cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, trà nhãn chín sớm đang cho thu hoạch được khoảng 2 tấn, chủ yếu là nhãn T6, giá nhãn quả bán tại vườn từ 40 – 60 nghìn đồng/kg, được thương lái đánh giá cao về chất lượng. Năm 2023, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1,2 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ nhãn trà sớm chiếm khoảng 5%.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: Để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, những năm qua, xã phối hợp cùng ngành chuyên môn xây dựng các mô hình sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhãn cho nông dân… Nhờ vậy, nhiều nông dân đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, huyện Kim Động có khoảng 280 héc-ta trồng nhãn, trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm từ 5 đến 10%, tập trung ở các xã: Hiệp Cường, Ngọc Thanh, Hùng An… Năm nay, sản lượng nhãn chín sớm ước đạt khoảng 150 tấn. Đặc biệt, nhãn tại các vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chất lượng ngon, được các thương lái, đại diện các siêu thị, doanh nghiệp… lựa chọn thu mua nhiều hơn nên bán giá cao hơn. Chị Nguyễn Thị Thùy, một thương lái thu mua nhãn chia sẻ: Hằng năm tôi đều về xã Ngọc Thanh tìm mua nhãn chín sớm, năm nay, từ đầu tháng 5 tôi đã có nhãn để bán ở thị trường Hà Nội. Nhãn chín sớm được khách hàng rất ưa chuộng, hàng bán nhanh mà được giá bởi là nhãn đầu mùa và chất lượng nhãn rất thơm, ngon.
Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nhãn trà sớm, huyện khuyến khích các HTX, tổ hợp tác và nhà vườn tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn, đồng thời, áp dụng biện pháp kỹ thuật đối với một số giống nhãn có chất lượng cao để thu hoạch nhãn trà sớm, rải vụ như: Cùi, siêu ngọt... Năm nay, các nhà vườn đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhãn chín sớm nên năng suất đạt trung bình từ 5 đến 7 tạ/sào.
Mặc dù nhãn chín sớm cho hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ nhưng gặp một số khó khăn do việc canh tác nhãn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm chăm sóc, áp dụng biện pháp kỹ thuật để “thúc” cây ra hoa, đậu quả rải vụ; chưa có nhiều giống nhãn trà sớm chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện thời tiết được đưa vào canh tác nên việc mở rộng diện tích nhãn trà sớm qua các năm còn hạn chế.
Việc thực hiện rải vụ, đưa các giống nhãn chín sớm, nhãn chín muộn để tránh áp lực về giá, thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập được ngành chuyên môn, các HTX, nhà vườn trong tỉnh áp dụng. Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành lựa chọn, bảo tồn, mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đặc sản, thực hiện các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây nhãn, hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, các nhà vườn chủ động tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhãn, ưu tiên sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong canh tác nhãn nhằm bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị nông sản đặc sản của tỉnh.
https://baohungyen.vn/thu-hoach-nhan-chin-som-3172291.html