Đồng chí Ngô Quốc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Nghề làm bún, đậu là nghề truyền thống của địa phương, cha truyền con nối từ nhiều đời nay. Thời điểm phát triển mạnh, toàn xã có trên 100 hộ làm nghề. Hiện nay, các hộ làm nghề tập trung ở thôn Viên Tiêu với gần 40 hộ tham gia sản xuất. Dù số hộ làm nghề giảm nhưng sản lượng tại các hộ lại tăng lên, thị trường tiêu thụ rộng cả trong và ngoài địa phương. Nghề làm bún, đậu đang tạo việc làm ổn định và thu nhập khá cho khoảng 130 lao động địa phương. Mỗi năm, hoạt động sản xuất bún, đậu đem lại nguồn thu từ 35 đến 40 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% GRDP toàn xã.

Một hộ làm nghề chế biến đậu ở xã Tân Hưng
Nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm của làng nghề rất đơn giản, bún làm từ hạt gạo, đậu làm từ hạt đậu tương. Thông qua các công đoạn ngâm, ủ, xay, nghiền, nấu và đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của người thợ làm nghề, những sản phẩm mới, tươi ngon ra đời, đem đến nhiều món ngon tiện dụng.
Anh Bùi Đức Trung ở thôn Viên Tiêu là hộ chế biến đậu với sản lượng lớn trong xã và đã làm giàu hiệu quả từ nghề truyền thống này. Chia sẻ về quá trình sản xuất đậu, anh Trung cho biết: Nối tiếp nghề của ông cha, sau khi tiếp quản và phát triển nghề làm đậu, tôi chủ động đầu tư thêm máy, thiết bị, học hỏi kỹ thuật mới, kết hợp duy trì kỹ thuật truyền thống, nhờ đó sản phẩm làm ra luôn bảo đảm chất lượng. Nguyên liệu chính để làm đậu phụ là hạt đậu tương. Nguyên liệu ngon thì thành phẩm mới ngon. Trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình tôi thu lãi 30 - 40 triệu đồng.
Để tăng năng suất, anh Trung vừa kết hợp máy xay đậu - nấu đậu liên hoàn, vừa áp dụng các phương pháp truyền thống để sản phẩm giữ hương vị thơm ngon. Miếng đậu có đạt chuẩn hay không vừa ra lò là biết ngay bởi mùi thơm của đậu tương và vị ngậy bùi, mềm mịn. Mỗi ngày, gia đình anh chế biến được 3 tạ đậu thành phẩm, công việc bận rộn quanh năm, nhất là vào mùa hè. Cả gia đình 4 lao động đều tập trung làm nghề, thời gian lao động cao điểm thường từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Sản phẩm làm ra đến đâu, được bán buôn hết ngay trong buổi chiều đến các chợ, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn...
Tại các hộ chế biến đậu, 100% phụ phẩm, phế phẩm làm đậu được dùng để chăn nuôi hoặc bán lại cho hộ chăn nuôi khác. Trong xã hiện nay có hộ chuyên làm bún, có hộ chuyên làm đậu, lại có hộ sản xuất cả bún và đậu. Để kịp buổi chợ sáng, người làm nghề phải thức dậy từ 2 đến 3 giờ sáng, chuẩn bị nguyên liệu, chế biến... Để bún trắng trong, dai, tươi ngon thì phải chọn được gạo phù hợp và chế biến đúng thời gian. Ông Phạm Văn Thành đã gắn bó với nghề làm bún, làm đậu nhiều năm nay, cho biết: Làm bún phải chọn được gạo ngon và sạch, độ nở phù hợp. Khoảng 1,8 tạ gạo sẽ làm thành phẩm được hơn 4 tạ bún. Mặc dù công việc quanh năm suốt tháng nhưng bận nhất là vào mùa hè, sản lượng tăng gấp 3 – 4 lần vẫn tiêu thụ nhanh.
Trước đây, các gia đình trong thôn đều chế biến bún, đậu theo phương pháp thủ công, cần nhiều lao động, sản lượng thấp. Những năm gần đây, sản xuất đã được hiện đại hóa, sản lượng tăng lên, đem lại thu nhập khá cho người lao động. Trong những tháng hè, sản lượng chế biến bún, đậu tăng mạnh, người lao động trong xã có thu nhập 400- 500 nghìn đồng/người/ngày. Bún, đậu của xã Tân Hưng đã nức tiếng gần xa bởi hương vị thơm ngon và giá phù hợp, ngoài phục vụ địa bàn thành phố Hưng Yên, sản phẩm được xuất bán nhiều nơi như các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình...
Để sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ năm 2023, xã Tân Hưng đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt. Hiện nay, toàn bộ nước thải trong sinh hoạt hằng ngày và quá trình sản xuất bún, đậu trong thôn Viên Tiêu đã được thu gom và xử lý, bảo đảm đạt quy chuẩn về môi trường. Nhờ đó, các cống, rãnh thoát nước và hệ thống kênh, mương trong xã không còn chịu áp lực từ nước thải, hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề bền vững hơn. Xã có kế hoạch xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã trong làng nghề để liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như phát triển làng nghề theo hướng hàng hoá.
https://baohungyen.vn/nghe-lam-bun-dau-o-xa-tan-hung-3172297.html