Trong phần thảo luận tại hội nghị, đồng chí Lương Công Chanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hưng Yên cho biết: Trên cơ sở những vấn đề cử tri quan tâm, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND đã lựa chọn chương trình giám sát phù hợp với tình hình thực tế địa phương và có tác động tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố đã tiến hành 21 cuộc giám sát chuyên đề. Sau giám sát, đoàn giám sát đều ban hành kết luận chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời Thường trực HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo giải quyết. Điển hình như việc giám sát việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo diễn ra trong năm 2023 vừa qua, đoàn giám sát của HĐND thành phố đã chỉ ra việc chủ tịch UBND ở một số xã, phường chưa thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân; việc giải quyết đơn thư đôi khi chưa kịp thời… Do đó, HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các địa phương đó khắc phục những tồn tại, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, đồng chí Lương Công Chanh cho rằng vấn đề lựa chọn nội dung giám sát cần được chú trọng, đồng thời lựa chọn thành viên tham gia đoàn giám sát phải bảo đảm có chuyên môn sâu ở lĩnh vực thực hiện giám sát. Có như thế mới thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát.
Thảo luận về nội dung này, đồng chí Lưu Trọng Tuấn, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ân Thi cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề, hằng năm, Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện chủ động xây dựng chương trình giám sát trình HĐND huyện thông qua; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát; chủ động gửi đề cương, lịch giám sát đến cơ quan, đơn vị được giám sát để xây dựng báo cáo và chuẩn bị các điều kiện theo yêu cầu của đoàn giám sát. Đối với việc giám sát các kiến nghị sau giám sát, đồng chí Lưu Trọng Tuấn cho rằng: Sau khi ban hành kết luận giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở. Những đơn vị không thực hiện nghiêm túc kiến nghị sẽ được tổ chức giám sát lại để nghe báo cáo về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND huyện.
Đồng chí Lê Thị Phương Loan, Phó Chủ tịch HĐND huyện Văn Lâm khẳng định: Hoạt động giám sát chuyên đề nhất là hoạt động giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND huyện. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trả lời chất vấn chưa thật sự quyết liệt, thực hiện không đúng hoặc chậm thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND. Thường trực HĐND huyện Văn Lâm kiến nghị cấp trên ban hành các chế tài quy định hình thức xử lý nếu chủ thể chịu sự giám sát cố tình không thực hiện các kiến nghị cần khắc phục.

Các đại biểu tham gia hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố
Đồng chí Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả giám sát, như: Các thành viên khi tham gia đoàn giám sát cần chủ động nghiên cứu thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin có liên quan từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau. Sau giám sát cần tăng cường theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; những kiến nghị chưa được thực hiện nghiêm túc, hoặc tiến độ thực hiện chậm thì cần phải phân tích, đánh giá nguyên nhân và yêu cầu đối tượng giám sát có biện pháp khắc phục; nếu thấy cần thiết có thể tiếp tục tổ chức tái giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm kết luận và kiến nghị của đoàn giám sát theo đúng qui định của pháp luật.
“Việc lựa chọn nội dung giám sát, xác định phạm vi và đối tượng giám sát là nhiệm vụ rất quan trọng. Cùng với đó khi lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề cần có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát với các cuộc giám sát của các cơ quan, đơn vị khác…” - nhận định của đồng chí Đặng Thị Gấm, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh. Đồng chí Đặng Thị Gấm cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát chuyên đề thì việc giám sát bằng hình ảnh cần được chú trọng. Đây là một hình thức giám sát có tác động trực tiếp đến đối tượng giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan; tăng hiệu quả giám sát. Giám sát chuyên đề bằng hình ảnh có lợi thế nổi trội là cùng với báo cáo bằng văn bản, lời bình, hình ảnh minh họa là sự phản ảnh trực quan và sinh động những điểm mà văn bản và lời nói không thể mô tả hết được, do vậy có sự tác động rất lớn…
Có thể khẳng định, giám sát chuyên đề là chủ đề không mới nhưng lại là nội dung xuyên suốt, chủ đạo, quan trọng nhất trong hoạt động của HĐND. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến việc chú trọng khâu lựa chọn chuyên đề giám sát. Chỉ nên lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, có nhiều bất cập, đã và đang được dư luận quan tâm, cần có giải pháp khắc phục; không nên ôm đồm nhiều nội dung để tránh dàn trải, giám sát không sâu. Việc lựa chọn thành phần tham gia đoàn giám sát cũng cần người có kinh nghiệm, năng lực; khi tiến hành giám sát chuyên đề, vấn đề quan trọng nhất là phải phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải trình, làm rõ trong buổi làm việc. Bên cạnh đó cần theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kết luận sau giám sát.
https://baohungyen.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-giam-sat-cua-hdnd-3170059.html