Năm 2010, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Hường bàn với gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả, thuê thầu thêm diện tích để trồng cây ăn quả. Thời gian đầu, chị chủ yếu trồng cam Vinh, cam đường canh. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, mô hình trồng cam của gia đình chị cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cây cam già cỗi, chất lượng kém nên hiệu quả kinh tế giảm. Năm 2019, chị tìm hiểu và đưa giống táo đại vào trồng thay thế những gốc cam già cỗi với diện tích khoảng 3 sào. Sau 1 năm, thấy hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng cam, cây táo lại dễ trồng, đầu tư thấp và không kén đất nên chị tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình chị trồng trên 2 mẫu táo với khoảng 300 cây.
Chị Hường cho biết: Táo đại là giống táo mới, cây khỏe, quả to, ít sâu bệnh nên dễ chăm sóc. Giống táo này sinh trưởng và lớn nhanh, trồng từ đầu năm đến cuối năm đã cho thu quả. Để vườn táo cho hiệu quả kinh tế cao, tôi thường xuyên tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây từ các hộ trồng táo tại tỉnh Bắc Giang, qua mạng internet. Theo đó, tôi trồng táo theo luống, theo hàng, để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh và thu hoạch; áp dụng trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên chất lượng, sản lượng táo bảo đảm.
Nhờ chịu khó học hỏi, bám vườn, với hơn 2 mẫu trồng táo, từ năm 2022, mỗi năm gia đình chị Hường thu hoạch trên 10 tấn táo. Vào vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn để thu mua. Với giá bán 25-30 nghìn đồng/kg, gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng.
https://baohungyen.vn/thu-lai-hang-tram-trieu-dong-nam-tu-trong-tao-3170874.html