1- Khoa Bính Thìn (1256)
Niên hiệu Nguyên Phong 6 đời Trần Thái Tông tổ chức khoa thi Hội. Khoa này đặc biệt lấy đỗ 2 trạng nguyên. Đó là Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, người thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Được vua gả công chúa. Sau khi mất được phong làm Phúc thần. Ngoài ra, khoa này còn có Trại trạng nguyên Trương Xán, người xã Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn, sau đổi là Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bấy giờ nhà Trần đã có ý khuyến học, chọn hiền tài. Từ Nghệ An trở vào vùng phía nam xa xôi hiểm trở, ưu tiên chọn thêm một trạng nguyên, gọi là Trại trạng nguyên. Từ Nghệ An trở ra, gần kinh thành chọn một Kinh trạng nguyên. Vì thế, Trần Quốc Lặc, người Minh Tân, Hải Dương là Kinh trạng. Còn Trương Xán, người Quảng Trạch là Trại trạng nguyên.
2- Khoa Giáp Thìn (1304)
Vào năm Hưng Long 12, vua Trần Anh Tông cho mở khoa thi Hội, chọn được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông sinh năm 1272, người làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ông làm quan trải ba triều vua Trần, đến chức Tể tướng, hai lần đi sứ nhà Nguyên. Tuổi thơ, Mạc Đĩnh Chi sống cảnh bần hàn nhưng cần cù học tập. Đêm đêm bắt đom đóm cho vào vỏ trứng gà làm đèn đọc sách. Ông làm quan, liêm chính. Làm đến Tể tướng mà sống cảnh thanh bần.
3- Khoa thi Mậu Thìn (1448)
144 năm sau, niên hiệu Thái Hòa 6 nhà Lê mới có khoa thi Hội vào năm Thìn. Trạng nguyên là Nguyễn Nghiêu Tư, người xã Phù Lương, Quế Võ, Bắc Ninh. Ông được giữ chức Hàn lâm trực học sĩ. Sau bổ làm Tân Hưng Lộ An phó sứ. Ông từng đi sứ nhà Minh. Khi trở về được thăng chức Thượng Thư chưởng lục bộ.
4- Khoa thi Nhâm Thìn (1472)
Niên hiệu Hồng Đức 3 triều vua Lê Thánh Tông, mở khoa thi lấy Vũ Kiệt đỗ trạng, khi ấy mới 20 tuổi. Ông sinh năm 1453, người làng Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông làm quan Hàn Lâm thị thư, rồi thăng chức Thị Lang, kiêm Đông các
5- Khoa thi Giáp Thìn (1484)
Khoa này có Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật. Ông sinh năm 1464, người xã Bình Ngô, Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 21 tuổi thi đậu khoa Giáp Thìn - 1484 niên hiệu Hồng Đức 15 đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan Đô ngự sử. Ông được lệnh di chiếu lập Lê Túc Tông lên ngôi, sau đến đời Lê Uy Mục lên thay thì ghét bỏ, rồi biếm chức, điều đi Quảng Nam. Đến sông Châu Phúc bức tử (khi 48 tuổi). Khi Lê Tương Dực lên thay, đã truy phong ông là tấm gương trung nghĩa.
6- Khoa thi Bính Thìn (1496)
Niên hiệu Hồng Đức 27, Lê Thánh Tông cho mở khoa thi, chọn được Trạng nguyên Nghiêm Viện. Ông là người Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh được vua sủng ái, gả công chúa cho làm vợ.
7- Khoa thi Mậu Thìn (1508)
Niên hiệu Đoan Chính 4 triều vua Lê Uy Mục, mở khoa thi Mậu Thìn (1508). Trạng nguyên khoa này là Nguyễn Giản Thanh khi mới 28 tuổi. Ông người Đông Ngàn, Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm quan nhà Lê tới chức Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Đông các đại học sĩ. Về sau làm quan cho nhà Mạc, từng đi sứ nhà Minh cầu phong cho Mạc Đăng Dung. Khi trở về được tấn phong Thượng thư bộ Lễ. Khi mất được vua ban tặng tước hầu.
8- Khoa thi Nhâm Thìn (1532)
Khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3, đời Mạc Đăng Doanh (1532) Nguyễn Thiến đỗ trạng nguyên. Ông quê Thanh Oai, nay thuộc Hà Nội. Làm quan đến chức Thượng thư. Sau vì bất mãn với nhà Mạc, đã cùng Lê Bá Ly, quy thuận nhà Lê Trung hưng. Ông được ban thưởng, lại cho giữ nguyên chức cũ và tuyển bổ quan lại cho nhà Lê được khoảng 8 năm. Ông mất năm 1557.
9- Khoa thi Bính Thìn (1556)
Niên hiệu Quang Bảo 2 triều vua Mạc Phúc Nguyên, Phạm Trấn đỗ trạng nguyên khoa thi Bính Thìn, khi đã 34 tuổi. Ông là người Gia Lộc, Hải Dương. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ. Sang thời Lê Trung hưng xin cáo quan về quê.
10- Khoa thi Bính Thìn (1736)
Phải sau 180 năm, cũng đúng năm Bính Thìn (1736), niên hiệu Vĩnh Hựu 2, đời vua Lê Ý Tông có khoa thi Hội. Khoa này, Trịnh Tuệ đỗ trạng nguyên khi 33 tuổi. Ông quê Thọ Sơn, Thanh Hóa. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình. Có người trong phủ chúa nâng đỡ nên sau này có ý lộng hành. Nhưng đến khi Trịnh Doanh lên ngôi chúa (1740), Trịnh Tuệ bị bắt giam. Sau triều đình xét lại, nghĩ ông người trong họ Trịnh, không có lòng phản nghịch lại tha, giáng chức Thừa chỉ. Sau thăng lên Tế Tửu Quốc tử giám. Khi mất được tặng hàm Hữu thị lang.
https://baohungyen.vn/trang-nguyen-cua-nhung-khoa-thi-nam-thin-3169555.html