Múa rồng (Tranh dân gian Việt Nam)
... Ngày ấy cách đây đã mấy chục năm trôi qua, tôi về làng sau bao năm chinh chiến nơi xa. Đi trên cánh đồng quê, mà thẫn thờ như người mất hồn bởi sự biến mất của biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương. Những cơn gió bấc cũng như cùn cáu cùng tôi… Gió lồng lộn tuôn buốt lạnh. Nhìn cánh đồng tôi buồn bã thốt lên: Đâu rồi? Những Mả na, mả chạ hay còn gọi là Mắt rồng? Như quả đồi giữa đồng ruộng xanh mướt cỏ cây hoang dại. Như núi nổi bồng bềnh mùa nước úng. Thực ra: Đó là nơi chôn gia súc, gia cầm chết bệnh nhiều năm mà thành. Đâu rồi? những thửa ruộng cao, thấp, những con ngòi muống, ngòi chang, ngòi hoa súng ngoằn ngoèo chạy khắp đồng như những con rồng…?
Lớp chúng tôi lớn lên giữa thế kỷ 20 khi đất nước vừa thoát ra khỏi chế độ phong kiến, thực dân và lại tiếp đến cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những hình ảnh con rồng, ngai vàng, in đậm trong tâm trí chúng tôi.
Con rồng trong 12 con giáp, không có thật ngoài đời mà mang nhiều nét văn hóa tâm linh. Rồng được thêu dệt với nhiều bản tính thần thông biến hóa. Chúng đi mây về gió, gọi nắng gọi mưa. Hình ảnh rồng tốt đẹp nhiều hơn những hình ảnh xấu! Rồng có ở mọi nơi, từ thiên nhiên mưa gió ta có: “Vòi Rồng”. Trong truyền thuyết, hay truyện ngắn, thơ ca kịch họa…vv. Rồng có cả trong thành ngữ!: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo…vv”. Không chỉ nơi cung vua, đình chùa, miếu mạo được các nghệ nhân đắp nặn, đục đẽo hình dáng rồng mà ngay cả dòng sông, con đê, đường làng và cả những con ngòi quê cũng được đào đắp theo hình dáng con rồng. Ngay cả khi qua đời, con người cũng tô vẽ sơn son thếp vàng hình ảnh rồng trên quan tài…
Cánh đồng làng tôi ngày đó có đến mấy chục con ngòi to nhỏ. Ngòi rộng khoảng hai đến ba mét, dài ngoằn ngoèo chạy khắp cánh đồng! Chúng tôi cứ gọi đó là Ngòi Rồng.
Đầu ngòi Rồng ở cánh đồng làng Thượng, to, sâu và rộng để trữ nước mùa hạn hán. Đuôi ngòi Rồng là Đồng Hạ. Thân ngòi cũng có những nong nước để tát bằng gầu giai. Ngòi quê không chỉ là nơi tưới, tiêu nước mà còn là nơi mưu sinh của người nông dân trong nhiều thế kỷ qua! Tôm cua, ốc, ếch, hay ba ba…vv là những đặc sản ngày nay được sinh tồn và lớn lên từ đó.
Có một điều đặc biệt: Cá, tôm ở ngòi hình rồng lớn rất nhanh. Chúng tôi thường nói đùa rằng. "Cá sống trong bụng rồng thì phải lớn nhanh." Thực ra sau mỗi vụ gặt, nước trên ruộng trôi xuống ngòi. Màu nước, phân bón… là nguồn thức ăn vô tận của lũ thủy sinh tự nhiên này. Ngòi Rồng cũng là nơi giữ lại màu đất cho đồng ruộng quê hương.
Ngòi quê là hình con rồng nên những loại rau ở đây lớn rất nhanh. Rau muống đỏ hay rau dọc dừa cũng mang hình dáng rồng. Rau muống đỏ, gặp ngày nước lên là non như bún. Hái những ngọn rau dài đến gang tay mà chưa có lá, rau này, luộc lên chấm với nước cáy cốt hay cua được bắt từ ngòi Rồng thì khó có món gì ngon bằng. Rau dọc dừa là thức ăn cho gia súc. Dọc dừa, lá xanh tía, phần thân áp nước có lớp phao trắng nhìn như chân rồng. Rau ngoi khắp mặt ngòi nhìn như những chú rồng con rất đẹp!
Ngày nay, mỗi khi đi thăm đồng, tôi vẫn cố gắng đi loanh quanh theo những con ngòi cũ. Đứng trên đê cao nhìn xuống cánh đồng làng, những thửa ruộng cấy trên nền ngòi Rồng vẫn còn xanh tốt hơn chỗ khác.
Hình ảnh rồng mãi in trên đất quê, lòng người quê, không gian quê và địa danh đất nước Việt Nam sẽ bay lên. Đó chính là con rồng châu Á.
https://baohungyen.vn/nhung-hinh-anh-rong-tren-dong-que-3169535.html