Người làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) gìn giữ phong tục làm các loại bánh dâng cúng ông bà, tổ tiên mỗi dịp Tết
Khi những đợt gió mùa đông bắc nhạt dần, gió rét và hanh khô qua đi nhường lại cho bầu trời vài khoang nắng, chút hơi ẩm của mưa bay nhè nhẹ, người già, trẻ nhỏ trong làng Đào Đặng lại rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Nhâm nhi tách trà nóng, tỏa hương thơm ngan ngát khắp 3 gian nhà cổ, ánh mắt ông Trần Ngọc Thuấn đầy tự hào, chia sẻ: Ở quê tôi, những ngày giáp tết, nhà nhà trong làng đều nhanh chóng thu xếp công việc để đón một cái tết đầm ấm, sum vầy. Các phong tục đón tết độc đáo như: Tục làm bánh tết, đầu năm mua muối, đi lễ nhà thờ có từ xa xưa nhưng nay vẫn gìn giữ. Trong mấy ngày tết, mặc dù các gia đình phải tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, tự tay làm các loại bánh đặc sản của địa phương để dâng lên mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên… nhưng đấy lại là niềm vui của các thành viên trong gia đình.
Tết Nguyên đán, ngoài món bánh chưng truyền thống, người làng Đào Đặng còn chế biến rất nhiều loại bánh được làm từ sản vật đặc trưng của địa phương như: Bánh mật, bánh rán, bánh tẻ. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày giáp tết, các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Huệ lại quây quần đông đủ cùng nhau để gói các loại bánh ăn tết. Mỗi người mỗi việc, cánh đàn ông, con trai đi lấy củi, chẻ lạt, phụ nữ trong nhà thì rửa lá, vo gạo, đãi đỗ. Khi các công đoạn chuẩn bị làm bánh đâu vào đấy, tất cả các thành viên ba thế hệ trong gia đình bà Huệ quây quần bên nhau cùng làm bánh. Không khí những ngày cuối năm của gia đình vì thế luôn ấm cúng. Bà Huệ vui vẻ cho biết: Tết năm nào, gia đình tôi cũng gói ít nhất 3 loại bánh. Thời gian gói bánh có khi cả ngày nhưng đây là dịp chúng tôi vừa làm bánh, vừa trò chuyện vui vẻ nên ai cũng đón chờ giây phút này. Tôi muốn con cháu luôn duy trì phong tục làm bánh trong những ngày Tết để nét đẹp truyền thống của làng quê được giữ mãi.
Hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, năm nay, bà Nguyễn Thị Bích đã đưa cả gia đình về quê làng Đào Đặng để đón tết. Nhanh tay gói cho vuông chiếc bánh chưng, bà Bích bồi hồi chia sẻ: Tôi gần 60 tuổi, mưu sinh khắp mọi miền quê, năm nay được về quê đón tết, tôi thấy hương vị tết xưa vẫn vẹn nguyên. Từ sáng tinh mơ, tờ mờ sương sớm, mùi khói bếp bay lên, hòa quyện cùng mùi thơm của gạo nếp cái, mùi của đỗ mới, mùi của lá dong tạo nên một hương vị và không gian vô cùng ấm cúng. Đặc biệt là các con, cháu trong gia đình tôi vẫn còn giữ thói quen rửa mặt, tắm gội bằng nước lá cây mùi già trong mấy ngày tết. Tắm nước lá mùi vào ngày cuối năm để xua đuổi những vận đen, xua đuổi những muộn phiền, xua đuổi những bụi trần vướng bận để rồi sẵn sàng tâm thế đón những niềm vui, may mắn và hạnh phúc. Bởi vậy, việc rửa mặt, tắm nước lá mùi già cứ lưu luyến mãi từ đời này sang đời khác như một nghi thức không thể thiếu đối với các thành viên trong gia đình.
Sáng ngày mùng một tết, người làng Đào Đặng vẫn giữ tục lệ đi lễ nhà thờ và đến từng nhà chúc tết. Sau lễ cúng gia tiên, con cháu trong gia đình cùng nhau đến nhà thờ tổ họ để dâng nén hương thơm, cơi trầu ngọt kính báo tổ tiên về thành quả đã đạt được trong năm qua và ước mơ, dự định trong năm mới. Tiếp đó, từng đoàn đi đến nhà anh em, họ hàng, bạn bè thân quen, hàng xóm láng giềng chúc mừng nhau một năm mới an khang, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới. Ngoài chuyện nói lời hay ý đẹp thì thể nào cũng được mời thưởng thức các loại bánh tẻ, bánh rán, bánh mật, bánh uôi mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, tình đất. Ngày mồng hai tết, cũng là phiên chợ đầu tiên của năm mới, người dân khắp làng trên, xóm dưới lại í ới rủ nhau chơi chợ tết. Mua muối để cả năm may mắn, mặn mà, bởi vậy nên mỗi người khi ra chợ đều vui vẻ mua cho gia đình một gói muối nhỏ xinh được gói gọn gàng trong bọc lá dong, lá chuối.
Vị tết ấm áp và thơm mùi hạnh phúc, sum vầy. Trong mỗi nếp nhà, bên nồi bánh chưng, bánh tẻ, người già nhâm nhi chén nước trà nóng hoặc bỏm bẻm nhai trầu rồi kể cho con cháu nghe bao nhiêu là chuyện. Trẻ con thì háo hức, ngước cặp mắt ngây thơ nghe người lớn kể chuyện bên ánh lửa bập bùng như những chùm pháo hoa đêm hội. Những mùa xuân rồi sẽ tiếp nối và đi qua nhưng văn hóa, hương vị tết cổ truyền của dân tộc luôn được người làng Đào Đặng bồi đắp từ đời này qua đời khác góp phần tạo nên nền tảng văn hóa lâu đời. Anh Vũ Đình Tuấn, người làng Đào Đặng hiện nay đang sinh sống tại tỉnh Quảng Ninh tâm sự: Cuối năm dù công việc kinh doanh có bộn bề đến đâu, vợ chồng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để về quê ăn tết cùng gia đình. Không chỉ mong muốn được đón cái tết quê đầm ấm bên những người thân yêu, vợ chồng tôi còn muốn các con mình cảm nhận rõ hơn phong vị tết ở quê nhà với tục làm bánh, tục đi lễ nhà thờ… để từ đó trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
https://baohungyen.vn/tet-que-trong-long-pho-3169499.html