Vườn cam đường canh sai trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, xã Tứ Dân (Khoái Châu)
Những ngày đầu tháng Chạp năm 2023, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Mạn Xuyên, xã Tứ Dân (Khoái Châu), thời điểm này, thương lái tấp nập đến vườn đặt mua. Nhờ sự ủng hộ của thời tiết và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP nên 20 mẫu cam của gia đình anh Tiến năm nay phát triển tốt, sai trĩu quả, căng tròn, mọng nước. Năm nay gia đình anh ước thu hoạch được trên 50 tấn quả. Dịp Tết năm trước, giá bán cam tại vườn trung bình 35.000 đồng/kg, năm nay, giá bán tăng lên 60.000 đồng/kg, cao hơn 25.000 đồng/kg so với năm ngoái. Với giá bán này, năm nay gia đình anh ước thu từ cam đường canh trên 3 tỷ đồng. Anh Tiến cho biết: Cam đường canh là loại cây ăn quả “khó tính” nên người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ. Để cây ra hoa, người làm vườn phải nắm bắt, theo dõi thời tiết để đảo cây đúng thời điểm; lúc cây đậu quả non phải khoanh - tiện gốc để giữ quả... Tôi dùng các loại phân chuồng ủ hoai mục, ngô, đỗ nghiền để bón cho cây theo từng giai đoạn, việc dọn cỏ cũng được làm thủ công; chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 1 tháng.
Nông dân xã Đồng Thanh (Kim Động) chuẩn bị thu hoạch cam đường canh phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán
Hằng năm, cứ đến tháng 11, tháng 12 âm lịch, ruộng đồng xã Đồng Thanh (Kim Động) lại rực lên sắc cam đường canh chín. Những luống cam đều tăm tắp, quả chín đỏ rực hòa trong màu xanh thẫm của lá. Hiện nay, toàn xã có khoảng 230 héc-ta trồng cam các loại, trong đó có cam đường canh.
Đến đầu vườn nhà anh Ngô Văn Thông ở thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, chúng tôi bắt gặp mùi thơm dịu mát của cam và những chùm quả sai trĩu, uốn cong cành khiến ai cũng thích thú. Anh Thông cho biết: Gia đình tôi trồng cam từ 20 năm trước, hiện nay có hơn 9 sào trồng cam đường canh. Tôi áp dụng phương pháp chăm bón hữu cơ để cây bền, khỏe, chất lượng quả thơm ngon.
Theo kinh nghiệm 20 năm trồng cây cam của gia đình anh Thông, cây cam đường canh phải ưu tiên trồng trên nền đất cao, thoát nước tốt. Mặt khác, cây phải được phòng bệnh thật tốt thời kỳ sau thu hoạch, thời kỳ ra hoa, đậu quả. Trong quá trình chăm sóc cây, cần chú ý đến bệnh gỉ sắt, nấm, nhện đỏ... Để phòng, trừ sâu bệnh cho cây, anh sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; làm cỏ bằng tay hoặc bằng các loại máy nhỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ; luôn ưu tiên bón phân bón hữu cơ từ ngô, đỗ tương, cá ngâm, cám gạo ngâm, không sử dụng phân bón hóa học để cây bền, quả ngon ngọt, mùi vị đặc trưng…
Nhờ chăm chút cẩn thận, diện tích cây cam đường canh của gia đình anh Thông năm nào cũng sai quả, mẫu mã đẹp, có hương vị ngọt thơm, đậm đà được nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành phố lân cận tìm đến tận vườn đặt mua. Dịp Tết năm nay, gia đình anh Thông ước thu khoảng 10 tấn quả. Với giá bán khoảng 70.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Anh Phạm Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Thanh cho biết: Những năm gần đây, cây cam đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nông dân trong xã, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ trồng cam. Trong đó, giống cam đường canh cho chất lượng vượt trội, được nhiều người tiêu dùng ưa thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong xã.
Cam đường canh có đặc điểm là vỏ mỏng, màu đỏ, căng mọng, mã đẹp, hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh mát, ít hạt… nên đây là loại quả được nhiều người ưa chuộng trong những ngày Tết. Chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương tại huyện Khoái Châu cho biết: Tôi chuyên phân phối sản phẩm cho các cửa hàng bán lẻ hoa quả ở trong tỉnh, khách hàng rất ưa chuộng sản phẩm cam canh được trồng ở Hưng Yên bởi mã đẹp, ngọt, thơm. Giá cam đường canh bán lẻ ở thời điểm này đối với những quả nhỏ, mọng khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg; quả to hơn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 15.000 - 25.000 đồng/kg mỗi loại. Dự kiến gần Tết Nguyên đán, giá cam sẽ tăng cao hơn so với ngày thường.
Người trồng cam tại các địa phương trong tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch quả để cung cấp hàng cho thị trường Tết. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.800 héc-ta trồng cam gồm các loại: Cam đường Canh, cam Vinh, cam V2… được trồng nhiều tại thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ… Bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 10, mùa cam thường kéo dài đến cuối năm âm lịch. Ngày Tết, cam đường canh không chỉ góp hương vị cho mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên, mà loại quả ngọt lành này còn giúp mọi người “giải nhiệt”. Để nâng cao giá trị sản phẩm cam, các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay thế diện tích cam hiệu quả kinh tế thấp, cam bị bệnh bằng các giống cam năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ để kéo dài tuổi thọ của cây, duy trì sản lượng, nâng cao chất lượng quả cam…
https://baohungyen.vn/cam-duong-canh-vu-tet-duoc-gia-3169085.html