Trong năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương cùng toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,05%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và cao thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,35%; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%, trong đó xây dựng tăng 14,86% (KH: 10,5%); giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 15,23% (KH: 9%); nông nghiệp, thủy sản tăng 2,45% (KH: 2,2%). Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng chiếm 61,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 31,3%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7% (KH: 65% - 28% - 7%). GRDP bình quân đầu người đạt 112 triệu đồng. Thu ngân sách được 33.100 tỷ đồng, đạt 144% dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 68.793 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (KH: 63.500 tỷ đồng), tăng 24,71% so với năm 2022. Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, khu đô thị, dự án sản xuất, kinh doanh lớn, trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, dự kiến đến ngày 31/01/2024 đạt 13.619 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch. Các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường, khoa học và công nghệ được tăng cường. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Cải cách hành chính được triển khai sâu rộng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quốc phòng, quân sự địa phương được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…
Thành tựu trên thực sự mang đậm dấu ấn và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân Hưng Yên; đồng thời tiếp thêm luồng sinh khí mới, tạo động lực mới cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục vững bước tự tin trên chặng đường chinh phục những mục tiêu phát triển mới… Năm 2024 là năm then chốt thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều quyết sách quan trọng trong năm đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo, định hướng, HĐND tỉnh thông qua như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 7,5% - 8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8%. Giá trị sản xuất: Công nghiệp và xây dựng tăng 8,5% - 8,7% (trong đó công nghiệp tăng 8,5%, xây dựng tăng: 10%); thương mại, dịch vụ tăng 9%; nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 63% - thương mại, dịch vụ 30,5% - nông nghiệp, thủy sản 6,5%. GRDP bình quân đầu người 121 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 32.823 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 29.123 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.700 tỷ đồng. Tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia 93,85%; tỉ lệ phòng học kiên cố 98,48%. Duy trì tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%. Tạo việc làm mới cho 2,45 vạn lao động. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,2%. Tỉ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 50% theo chuẩn mới. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,71% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025). 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện vững chắc môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Quyết liệt đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư các công trình, dự án sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp tỉnh Hưng Yên. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục về giao đất, xác định giá trị tiền sử dụng đất của các dự án đô thị, nhà ở, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách đề ra. Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án nhằm cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Tập trung tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Trên chặng đường mới với những triển vọng mới, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh Hưng Yên càng nỗ lực, quyết tâm tạo bước đột phá mới phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
https://baohungyen.vn/nam-moi-buoc-dot-pha-moi-3168631.html