Người nhạy bén với nghề trồng, kinh doanh cây cảnh
Nhắc đến “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” Hoàng Anh Tiến (sinh năm 1978) ở xã Phụng Công (Văn Giang), người dân địa phương lại trầm trồ nể phục bởi sự cần cù, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh và có tấm lòng nhân ái.
Anh Hoàng Anh Tiến, xã Phụng Công (Văn Giang)
Sinh ra và lớn lên tại miền quê có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng, ngay từ khi còn nhỏ, anh Tiến đã làm quen với công việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Lớn lên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, anh tiếp nối nghề truyền thống. Năm 1999, anh khởi nghiệp từ một vườn cây cảnh nhỏ có diện tích hơn 1 sào. Những năm đầu trồng cây cảnh (sanh, si), do nắm bắt được nhu cầu thị trường, thời tiết thuận lợi, anh “thắng” lớn, có thêm vốn, kinh nghiệm để mở rộng sang các loại cây cảnh khác. Đến năm 2004 anh đã có hơn 1 héc-ta trồng cây cảnh.
Từ năm 2018 đến nay, nhận thấy người dân có nhu cầu chơi cây cảnh nghệ thuật nhập khẩu giá trị cao từ Nhật Bản, anh Tiến bàn với gia đình và vay mượn thêm vốn để nhập khẩu trực tiếp về nước cung cấp cho khách hàng. Mỗi năm anh nhập từ 10 đến 30 cây cảnh, cây thấp nhất có giá vài chục triệu đồng như: Trà Nhật, đỗ quyên Nhật, cây có giá trị cao là tùng la hán hoặc thông đen có giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, gia đình anh Tiến có khoảng 3.000m2 đất trồng cây cảnh ở xã Phụng Công. Những năm gần đây, diện tích sản xuất nông nghiệp ở xã Phụng Công thu hẹp, anh đã tìm hiểu và thuê hơn 3 héc-ta ở tỉnh Vĩnh Phúc để trồng cây cảnh.
Với sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh cây cảnh nghệ thuật, cây nhập khẩu, trang trí cảnh quan biệt thự sân vườn, mỗi năm mang lại cho gia đình anh Tiến thu nhập khoảng 45 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ 5 đến 5,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay, anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 20 lao động, với mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, bản thân anh và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào ở địa phương như: Ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ các gia đình chính sách, tham gia công tác nhân đạo từ thiện. Mỗi năm, gia đình anh đóng góp các loại quỹ phúc lợi của địa phương với số tiền từ 80 đến 150 triệu đồng…
Từ tình yêu nghề và từ kiến thức học hỏi được, anh Tiến nung nấu ý tưởng thành lập hợp tác xã, sản xuất đất, giá thể trồng cây cảnh; đưa các loại cây cảnh nhập ngoại về trồng trong nước và áp dụng công nghệ trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng cây theo công nghệ của Nhật Bản vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đẹp, có giá trị lâu bền.
Người “có duyên” với cây nấm
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tú ở thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh (Kim Động), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã Đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú là một chàng trai hiền lành có đôi mắt sáng.
Anh Nguyễn Văn Tú, xã Phú Thịnh (Kim Động)
Sinh năm 1984, vốn là một kỹ sư xây dựng nhưng năm 2009, anh Tú “bén duyên” với nghề trồng nấm. Lúc đầu anh xây dựng mô hình trồng các loại nấm sò, nấm rơm với diện tích khoảng 300m2. Sau 12 năm phát triển, đến nay, diện tích trồng nấm của gia đình anh đã mở rộng lên hơn 1 héc-ta (tại tỉnh Bắc Giang), mỗi năm trang trại trồng nấm ăn của anh Tú sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 10 tấn nấm sò.
Từ năm 2015 anh Tú tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về đông trùng hạ thảo, loại nấm dược liệu vốn được coi là quý hiếm nhưng khó trồng. Với vốn kiến thức học hỏi được từ sách báo, cùng với sự học hỏi từ các mô hình thực tế, anh Tú đã nắm bắt quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến đông trùng hạ thảo. Hiện nay, anh có hơn 2.000m2 chuyên sản xuất các loại nấm dược liệu như: Đông trùng hạ thảo, linh chi. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch 350kg đông trùng hạ thảo và 2,5 tấn nấm linh chi sấy khô.
Cùng với đầu tư công nghệ trồng nấm hiện đại, anh Tú chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất chế biến các sản phẩm từ nấm. Nấm dược liệu sau khi thu hoạch được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Trong đó, có 4 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao là: Trà dưỡng tâm an thần; Trà linh chi; Cao linh chi; Trà Đông trùng hạ thảo. Bộ sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Với quyết tâm mở rộng thị trường, năm 2018, anh Tú liên kết với một số hộ nông dân thành lập Hợp tác xã Đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú. Từ mô hình trồng nấm công nghệ cao mang lại cho anh Tú doanh thu 4,5 - 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, anh Tú đã nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, các ngành, như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 của Trung ương Đoàn; năm 2019 được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT về có thành tích xuất sắc trong đổi mới phát triển nâng cao kinh tế tập thể; năm 2020 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020...
https://baohungyen.vn/nhung-nong-dan-xu-nhan-nang-dong-lam-giau-3167429.html