Di sản văn hóa phi vật thể cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch. Do vậy, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng đúng đắn, đã và đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Từ đó giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được nâng lên, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghệ thuật hát trống quân của Hưng Yên là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh Hưng Yên đa dạng ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 1 di sản là nghệ thuật trình diễn dân gian Hát trống quân và 4 di sản là lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội đền Tống Trân (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ); lễ hội cầu mưa (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm); lễ hội đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu); lễ hội đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang). Tỉnh cũng có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Với hơn 500 lễ hội truyền thống, các lễ hội ở Hưng Yên là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng gần xa như: Chạm bạc Huệ Lai, nón lá Mão Cầu, đúc đồng Lộng Thượng, hương xạ Cao Thôn… nức tiếng với những sản phẩm tinh xảo, đạt đến trình độ cao của kỹ thuật làm nghề thủ công. Chả gà Tiểu Quan, ếch om Phượng Tường, thịt gà Đông Tảo, cá mòi, bánh răng bừa, bún thang, tương Bần, chè sen, long nhãn... là những đặc sản ẩm thực đậm hương vị đồng quê mà mỗi khi nhắc đến Hưng Yên, người dân khắp xa gần đều muốn một lần được thưởng thức.
Tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa là một hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Với định hướng đó, trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách. Các khu du lịch văn hóa lịch sử như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gắn với lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch gắn với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Di tích Quốc gia địa điểm Cây đa và đền La Tiến… đã được quy hoạch là điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động cụ thể như: Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù và hát trống quân giai đoạn 2014 – 2020; làm hồ sơ xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn không gian văn hóa làng Nôm, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù, hát trống quân; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh… Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những giá trị tiêu biểu hệ thống di sản văn hóa phi vật thể bằng nhiều hình thức: Xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp và quảng bá qua mạng xã hội; sản xuất phim giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; tham gia hội chợ, triển lãm tại các địa phương; phối hợp tổ chức các chương trình nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến; xây dựng các chương trình khảo sát, kết nối các điểm đến du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng du lịch trọng điểm. Với những nỗ lực, cố gắng trong việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, số khách du lịch đến với Hưng Yên ước đạt gần 1 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 700 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch của tỉnh, góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và du khách, tỉnh cần tiếp tục làm mới các sản phẩm du lịch; tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn; tiếp tục điều tra, sưu tầm, nghiên cứu toàn diện các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của tỉnh có nguy cơ bị thất truyền; tăng cường tổ chức tập huấn, các hoạt động truyền dạy tại cộng đồng cho thế hệ trẻ, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh; biểu dương, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có những đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt đối với các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân tích cực trình diễn và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể; từng bước số hóa xây dựng hệ thống thông tin về di sản văn hóa phi vật thể phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng du lịch của di sản văn hóa phi vật thể…
https://baohungyen.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-gan-voi-phat-trien-du-lich-3164275.html