Ấn tượng theo suốt cuộc đời tôi, cho đến giờ là được mẹ mua quà cho ăn và ở giữa chợ có cái "Bia căm thù", cạnh đó là một cây đa to, gốc rễ xù xì, cành lá xum xuê cũng có cái tên là "Cây đa căm thù". Đặc biệt, qua thời gian, có nhiều câu chuyện huyền bí mang tính tâm linh khó giải thích, nhưng lại toàn là chuyện phúc đức, cứu vớt chúng sinh, làm lợi cho đời, chưa thấy chuyện nào gây hờn, oán trách...Bản thân tôi hoàn toàn không mê tín nhưng vẫn tin vào tâm linh, luôn luôn có những hiện tượng diễn ra mà khoa học chưa giải thích nổi. Đặc biệt, cũng nhờ linh ứng mà cách đây 13 năm, gia đình tôi làm được việc mà họ hàng mong ước từ mấy chục năm trước. Đó là chuộc lại được đất hương hoả của ông bà, cha mẹ sau khi qua tay một số chủ khác tới gần 40 năm. Từ đó, mỗi lần về La Tiến, trong tôi lại nghĩ nhiều đến việc phát triển du lịch tâm linh ở nơi đây.
Trong số hàng chục các điểm tham quan, du lịch vật thể và phi vật thể trên vùng đất Hưng Yên thì Di tích lịch sử quốc gia La Tiến là vùng rất nổi tiếng gắn với sự kiện lịch sử, với thời gian như: Bia Căm thù; Cây đa căm thù; Đền La Tiến; Vụng Quạ...Điều đặc biệt Cụm di tích lịch sử La Tiến gắn với tên tuổi của 1145 anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước bị kẻ địch tra tấn một cách rất dã man.
Theo thời gian, cũng như ở một số địa phương khác, "Bia căm thù", "Cây đa căm thù" đã và đang lùi vào dĩ vãng và hiện nay, cũng với di vật cũ, người dân đã gọi bằng các cái tên hoàn toàn mới: "Đài tưởng niệm", "Cây đa La Tiến", "Đền La Tiến". Đến Cụm di tích La Tiến, người ta dễ dàng bỏ qua và dần quên đi sự căm giận mà trỗi dậy lòng tự hào dân tộc, khí phách hiên ngang bất khuất của người Việt Nam và hướng về điều thiện. Cũng như rất nhiều nghĩa trang, khu di tích, nhà tù của chế độ cũ trên đất nước ta, nhiều nhà giam có đến cả vạn con người bị kẻ thù giam giữ, tra tấn, tàn sát, giết hại, qua thời gian. Ở những nơi linh thiêng đó, những năm qua đã trở thành các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng triệu, lượt người đến viếng thăm, tưởng nhớ các anh hùng, chiến sĩ cách mạng bị tù đày sát hại, cầu mong cho các linh hồn siêu thoát, phụ hộ quốc thái, dân an, mọi người sống yên lành, hạnh phúc. Không ít những hiện tượng huyền bí chưa được giải thích bằng khoa học và cũng không ít khách thập phương, người linh ứng, hiệu nghiệm trong đời sống hiện thực mà chưa thể giải thích được. Đó chỉ có thể gọi là "tâm linh". Chính vì vậy, mỗi lần đến với các khu di tích lịch sử, các nhà tù, trại giam, nơi chiến sĩ, đồng bào ta hy sinh vì dân, vì nước, mỗi người chúng ta dường như cảm thấy bản thân mình nhỏ bé hẳn đi, nguyện hướng tâm hồn về điều thiện. Trước anh linh của các chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh, hạnh hạnh phúc lúc này cũng thật đơn giản: đừng để hận thù xâm lấn trái tim, lo âu xâm lấn tâm trí; hãy sống đơn giản, kỳ vọng ít, cho đi nhiều; rải nắng trời, quên đi bản thân, nghĩ về người khác nhiều hơn.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói" du lịch tâm linh không ngừng nở rộ, phát triển không ngừng. Có rất nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về tâm linh, nhưng có thể hiểu ngắn gọn, tâm linh là linh cảm về hiện tượng vô hình có ảnh hưởng đến đời sống con người đang sống, được cảm nhận qua cuộc sống trải nghiệm lâu dài của một cộng đồng người; linh cảm về những hiện tượng, nhân vật thiêng liêng tác động đến đời sống con người. Tâm linh là cái vô thể, trừu tượng, huyền bí, nhưng lại không phải là hiện tượng mê tín mù quáng của tinh thần, của sự đồng cốt, phù phép, bùa chú. Mỗi dịp Tết đến, những ai là con dân nước Việt đều cảm nhận rõ ràng không khí linh thiêng của ngày Tết. Thời khắc giao thừa, thắp nén hương thơm dâng lên bàn thờ tiên tổ, ai cũng cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc. Đứng thắp nén hương thơm trước bàn thờ, dường như ai cũng thấy những anh hùng, liệt sĩ, đồng đội... vẫn đang ở đâu đó trên những tầng mây cao vời vợi dõi theo mình, dẫn dắt mình tránh được những tai ương, vận hạn. Đến vãn cảnh khu tưởng niệm các danh nhân, anh hùng dân tộc, đền, miếu, chùa chiền, có ai không xúc động khi dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân có nhiều công lao với quê hương, đất nước, khấn cầu các vị thánh thần phù hộ cho quốc thái, dân an, gia đình và bản thân mình an khang, gặp nhiều phúc lộc... Rõ ràng, những hoạt động tâm linh kể trên là rất phổ biến trong đời sống hiện nay, là hoạt động rất bổ ích, không thể cân, đong, đo, đếm những nó lại tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người sống, tiếp nối truyền thống của dân tộc, nhân ái, tri ân, “ăn quả nhớ người trồng cây" mang lại những giá trị tinh thần cao cả, có tác dụng hướng con người đến chân-thiện-mỹ mãnh liệt. Đó chính là văn hoá tâm linh. Văn hoá tâm linh đã và đang giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với sự phát triển của xã hội; duy trì nền tảng truyền thống xã hội, kết nối quá khứ- hiện tại-tương lai; phát huy sức mạnh từ niềm tin tinh thần làm nên sức mạnh vật chất của động đồng, xã hội; lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thế trong lịch sử phát triển của cộng đồng, xã hội; ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi những hiện tượng phản văn hóa, mê tín, dị đoan...
Với tất cả những điều kiện thuận lợi, thiên thời, địa lợi, nhân hoà, cùng với truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, kiên cường của những người con quê hương đất nhãn anh hùng, Cụm di tích lịch sử quốc gia La Tiến đã và đang trở thành "điểm sáng" của du lịch văn hoá tâm linh trong khu vực Đồng bẳng Bắc bộ, thu hút ngày càng nhiều khách thập phương.
https://baohungyen.vn/den-la-tien-nghi-ve-phat-trien-du-lich-tam-linh-3165306.html