
Nơi thờ liệt sĩ Bùi Thị Cúc tại xã Vân Du
Cũng như bao làng quê khác, dưới chế độ thực dân phong kiến, xã Vân Du chịu sự bóc lột, đàn áp dã man của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chính sách bần cùng hóa của bọn thực dân khiến cuộc sống Nhân dân cùng cực, lầm than. Theo tư liệu được ghi chép trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vân Du tập 1 (1930-1954), đầu năm 1944, an toàn khu Bãi Sậy được thành lập bao gồm một số khu vực thuộc các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào. Từ đó, phong trào cách mạng lan dần đến các làng, xã thuộc Nam huyện Yên Mỹ, Bắc huyện Ân Thi. Phát huy truyền thống yêu nước, người con ưu tú của đất Vân Du sớm giác ngộ cách mạng và đi theo phong trào Việt Minh là Trần Đình Tích (tức Trần Bình). Ngày 30/12/1944, ông được cơ sở Việt Minh ở Yến Đô (thuộc xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ ngày nay) kết nạp. Từ đó, đồng chí Tích trở thành hạt nhân của tổ Việt Minh Vân Mạc và thu hút thêm một số thanh niên tiến bộ hoạt động. Ông cũng là người đầu tiên của xã Vân Du được kết nạp Đảng vào ngày 4/12/1945. Người anh cả Trần Đình Tích, sau này là Bí thư Huyện ủy Ân Thi, chính là ngọn đuốc soi đường cho 4 trong số 6 người em ruột của mình lần lượt tham gia hoạt động bí mật, đi bộ đội, trong đó có người con gái mang tên 2 loài hoa: Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan). Và cả 4 người em của ông đều mãi mãi hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đó là liệt sĩ Trần Đình Vỹ, sinh năm 1922, xã đội trưởng xã Quang Trung, hy sinh tại địa phương trong những tháng ngày quê hương sôi sục chiến đấu chống thực dân Pháp vào năm 1947; liệt sĩ Trần Đình Kỷ (tức Trần Đình Dưỡng), chiến sĩ cảm tử, anh dũng hy sinh trong chiến dịch chia lửa với Điện Biên Phủ tại Hà Nam Ninh vào tháng 8/1953; liệt sĩ Trần Đình Cương, tham gia bộ đội chủ lực, hy sinh năm 1948 khi mới ngoài 20 tuổi xuân. Và người em gái thứ 6 trong gia đình Trần Thị Lan (tức Bùi Thị Cúc) đã ngã xuống ngoan cường dưới sự hành hình dã man, tàn ác của kẻ thù.
Ở nơi sinh ra người con gái anh dũng ấy, 2 người cháu của bà nay đã ngoài 80 tuổi, gần 60 năm tuổi Đảng lật giở những tư liệu về người cô ruột của mình với niềm tự hào khôn xiết. Liệt sĩ CAND Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930, ở làng Vân Mạc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bùi Thị Cúc sinh hoạt đoàn thể ở thôn, làm công tác dân vận. Năm 1947, chị được kết nạp Đảng, sau đó làm cán sự Hội phụ nữ huyện Ân Thi. Những năm tháng này, địch ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương. Ở Ân Thi, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở hầu hết các xã trọng điểm. Xã Quang Trung có 4 thôn lập tề. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm (gần thôn Vân Mạc) để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ 5. Bốt Cảnh Lâm có tên Nguyễn Doãn Nhi, vốn là một cán bộ địa phương đã phản bội, có nhiều thủ đoạn thâm độc bắt giết cán bộ, khủng bố Nhân dân.
Huyện ủy Ân Thi giao nhiệm vụ cho chị Cúc làm công tác địch vận, cử chị đi học lớp bồi dưỡng do ngành Công an huấn luyện. Tháng 12/1949, chị Cúc trở thành cán bộ công an, làm nhiệm vụ công tác phản gián và địch vận, nắm tình hình, thu thập tin tức, hoạt động của địch trong vùng. Với vỏ bọc là cán bộ cầu an, về gia đình buôn bán ở chợ Cảnh Lâm, chị thực thi nhiệm vụ trên giao.
Chị tìm cách làm thân với tên Nhi, giả vờ nhận lời yêu hắn để khai thác tin tức hoạt động của bọn địch. Thực hiện kế hoạch của cấp trên, tìm cách trừ khử tên Nhi, Bùi Thị Cúc đã bố trí một cuộc hẹn với tên Nhi ở làng Vân Mạc. Nguyễn Doãn Nhi đã trúng kế, xuống làng một mình bị người của ta bắt giết, rồi đem vùi xác dưới ruộng khoai.
Mất tên Nhi, bọn địch ở bốt Cảnh Lâm lập tức vây ráp, càn quét làng Vân Mạc, bắt đi hơn 40 người, trong đó có một số là đảng viên, chúng đã đánh đập, tra khảo rất dã man hòng tìm ra người đã giết tên Nhi. Chị Bùi Thị Cúc cũng bị địch bắt, bị đánh đập, tra khảo những người đã giết tên Nhi. Chị đã nhận hết về mình.
Biết không khuất phục được người con gái can trường, ngày 15/5/1950, bọn địch đã đem chị đi hành hình hết sức tàn độc. Tinh thần hy sinh và hành động ngoan cường của chị Cúc đã vang xa trên khắp đất nước. Ngày 15/1/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng Ba và 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Năm 1953, bà Vũ Thị Hằng là mẹ chị Cúc được cử vào Đoàn Đại biểu phụ nữ Việt Nam đi dự hội nghị các bà mẹ bảo vệ hòa bình thế giới tại Liên Xô. Tại quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, bà Hằng đã gặp bà mẹ của nữ anh hùng Dôi-a. Tuy là 2 bà mẹ ở hai nước cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng đều yêu nước thiết tha, đều hy sinh người con gái của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc và hy sinh anh dũng ở tuổi thanh xuân rực rỡ của mình… Bạn bè thế giới trân trọng tấm gương chói lọi của chị Bùi Thị Cúc, gọi chị là “người con gái Việt Nam quang vinh”. Bản nhạc Liên Xô có Dôi-a, Việt Nam có Bùi Thị Cúc cũng ra đời từ đó. Năm 1995, liệt sĩ Bùi Thị Cúc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lưu bút về người nữ anh hùng, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã viết: Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan), người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, tấm gương kiên trung, bất khuất, “Sống anh dũng, chết vẻ vang”, mãi mãi là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam về tinh thần tiến công cách mạng, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Trong cuốn lưu bút của ông Trần Đình Tích ghi chép lại truyền thống cách mạng của gia đình có chi tiết, đồng chí Mai Văn Hách, thời kỳ giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, trong một lần về thăm gia đình đã khẳng định, “gia đình cụ Vũ Thị Hằng là một pháo đài cách mạng”. Đây là niềm tự hào của một gia đình cách mạng có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 lão thành cách mạng, 4 liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều con cháu thế hệ sau đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết tiếp truyền thống yêu nước của gia đình, đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, một người con của ông Trần Đình Tích đã ngã xuống, cùng đồng đội hòa máu thịt vào sông núi để đất nước nở hoa bốn mùa.

Vân Du hôm nay