Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc ghi những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm của Bác Hồ đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng như tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên đối với Bác Hồ. Từ đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao niềm tự hào; chuyển biến sâu sắc hơn về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Nhóm tác giả giáo viên, học sinh Trường THCS Lê Lợi và THCS Nguyễn Tất Thành (TP Hưng Yên) với anh hùng lao động Phạm Thị Vách |
Lan tỏa cuộc thi
52.759 bài dự thi của các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh gửi tham gia cuộc thi là con số biết nói thể hiện sự hấp dẫn cũng như sự lan tỏa của cuộc thi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Các địa phương, đơn vị có số lượng bài dự thi cao như: Đảng bộ huyện Ân Thi có 12.406 bài; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh có 7.155 bài; Đảng bộ Quân sự tỉnh có 6.111 bài; Đảng bộ thị xã Mỹ Hào có 2.673 bài; thành phố Hà Nội có 16.221 bài...
Khoảng thời gian cùng chuẩn bị bài dự thi có lẽ là khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm của nhóm tác giả là giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Lợi và THCS Nguyễn Tất Thành gồm: Vũ Thị Thanh, Ngô Thị Thu Hương, Nguyễn Đức Trọng, Nguyễn Tân Bình, Trần Hải Nam, Trần Quang Việt.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hương, đại diện nhóm tác giả cho biết: Sau khi tìm hiểu mục đích, thể lệ của cuộc thi, tôi đã chọn lựa nhóm học sinh cùng cô giáo chuẩn bị bài dự thi với mong muốn tạo cơ hội, truyền cảm hứng để các em tìm hiểu và hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những tình cảm của Người dành cho Hưng Yên, quê hương thân mẫu của Người và những tình cảm của Hưng Yên dành cho Người. Cô gợi mở, trò thảo luận để tìm ra ý tưởng thực hiện bài dự thi chất lượng cao. Để minh họa cho bài viết và cảm nhận rõ hơn niềm vinh dự, tự hào của những người Hưng Yên được gặp Bác và nghe Bác trò chuyện, dặn dò, nhóm tác giả đã tìm gặp nữ anh hùng lao động Phạm Thị Vách (huyện Kim Động) và được cụ kể về kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ. Qua lời kể của cụ, cả cô và trò đều cảm nhận được sao Bác gần gũi đến thế. Cái được lớn nhất của cô và trò khi tham gia cuộc thi không chỉ đơn thuần là giải thưởng mà đó là niềm tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự hào khi tỉnh Hưng Yên được Bác dành nhiều tình cảm, sự quan tâm. Và, chúng tôi tự nhận ra rằng, học và làm theo Bác chính là làm tốt những việc hằng ngày theo chức trách, nhiệm vụ của bản thân…
Mỗi tác giả, nhóm tác giả với tình cảm dành cho Bác Hồ kính yêu đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, có ý tưởng mới trong thể hiện nội dung, hình thức trình bày bài dự thi. Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, nhìn chung, các bài dự thi về cơ bản bảo đảm Thể lệ cuộc thi đề ra. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu, có sự nghiên cứu, sáng tạo, trình bày đẹp, có hình ảnh tư liệu, mô hình minh họa, bổ sung được nhiều tư liệu về lịch sử Bác về thăm Hưng Yên; phần liên hệ thực tế phong phú, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân trong cuộc sống cũng như trong học tập, công tác.
Một số bài dự thi được trình bày viết tay, thu thập được nhiều tư liệu về Bác, các mẩu chuyện của Bác mỗi lần về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Tiêu biểu như bài dự thi của tác giả Đào Thị Liên (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh); Nguyễn Ngọc Thu (tỉnh Đồng Nai); Phạm Nguyễn Tùng Chi (học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên); Lê Thị Hài (giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu, huyện Khoái Châu)... Đây thực sự là những nguồn tư liệu quý đáng trân trọng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu về Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả chấm điểm và đề xuất của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi lựa chọn trao giải Cuộc thi cho 39 tác giả, nhóm tác giả, gồm: 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 29 giải Khuyến khích. Đồng thời, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đối với các địa phương, đơn vị triển khai có hiệu quả cuộc thi và cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cuộc thi.
|
Một trang phụ lục ảnh trong bài dự thi Cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ” |
Ý nghĩa cuộc thi
Sinh thời, Bác Hồ đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Người viết 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và Nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân, từ các cháu thiếu niên, nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập. Tình cảm và sự quan tâm đó đã trở thành động lực, nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân Hưng Yên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Kết luận số 01); Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01 ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 124-KH/TU về tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”, phát động, triển khai tới các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong và ngoài tỉnh được biết để hưởng ứng tham gia. Để cuộc thi được tổ chức hiệu quả, thiết thực, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Tổ chức cuộc thi do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức triển khai cuộc thi. Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Tổ chức; ban hành Quyết định thành lập Ban Giám khảo, Tổ Giúp việc, Tổ Thư ký Cuộc thi; ban hành Quy chế chấm điểm bài dự thi…
Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cuộc thi được chú trọng. 100% huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng văn bản tổ chức triển khai, phát động hưởng ứng tham gia cuộc thi tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
|
Các em thiếu nhi thành phố Hưng Yên biểu diễn văn nghệ chào mừng buổi tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023 |
Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của cấp ủy đảng các cấp và của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài tỉnh, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và thành công tốt đẹp. Kết quả của cuộc thi sẽ góp phần vào kết quả chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như trong công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Sau cuộc thi này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bố trí không gian riêng, trang trọng tại Bảo tàng tỉnh trưng bày chủ đề Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ, trong đó lưu ý chọn lọc mô hình, tư liệu quý từ cuộc thi này đưa vào trưng bày; đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho học sinh các trường đến tham quan, học tập tại nơi trưng bày một cách hiệu quả…
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202305/y-nghia-tu-cuoc-thi-viet-voi-chu-de-bac-ho-voi-hung-yen-hung-yen-voi-bac-ho-42e08f2/