Bài 1: Khai thác lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp; đặc biệt điều kiện về đất đai màu mỡ, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; các chế độ nhiệt, ẩm, nắng cho phép canh tác nhiều vụ cây trồng ngắn ngày trong năm và thích hợp để bố trí cơ cấu cầy trồng, vật nuôi đa dạng.
Vượt khó, đạt tăng trưởng cao
Trước những khó khăn của nền kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, những năm qua, tỉnh đã có nhiều quyết sách làm cơ sở cho việc đẩy mạnh chuyển dịch CCKTNN, phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển nông nghiệp như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với phát triển nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản mang tính giải pháp cho chuyển dịch CCKTNN như: Quyết định về xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm; chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; kế hoạch khung về chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi thả thủy sản. Các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; dự án xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch...
|
Hệ thống trạm bơm tưới, tiêu được đầu tư xây dựng |
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trên cơ sở định hướng và các giải pháp của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương để triển khai thực hiện toàn bộ quá trình chuyển dịch CCKTNN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sở đã xây dựng và đưa vào thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; phối hợp với các địa phương xây dựng đề án, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống, mùa vụ, phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương; tập trung dồn thửa, đổi ruộng; liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của tỉnh, việc chuyển đổi CCKTNN đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Cơ cấu ba nhóm chuyên ngành nông, lâm, thủy sản đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 11.319 tỷ đồng năm 2016 lên 12.963 tỷ đồng năm 2020. Năm 2020, ngành trồng trọt tăng 239 tỷ đồng, ngành chăn nuôi tăng 685 tỷ đồng và dịch vụ tăng 11 tỷ đồng so với năm 2016. Tỷ trọng của ngành chăn nuôi, thủy sản tăng từ 43,6% lên 55,5%, ngành dịch vụ tăng từ 1,98% lên 2,5%, ngành trồng trọt giảm từ 43,46% xuống còn 42%, thể hiện xu hướng chuyển dịch tích cực.
Cơ cấu chuyên ngành thủy sản được chuyển dịch theo hướng phát huy thế mạnh tiềm năng. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 1.116 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 1.417 tỷ đồng. Sự gia tăng khá nhanh về quy mô và giá trị nuôi thả thủy sản trong thời gian qua theo đúng định hướng, phát huy được thế mạnh của tỉnh về diện tích mặt nước. Tỷ trọng ngành nuôi thả thủy sản từ 9,8% năm 2016 tăng lên 10,93% năm 2020. Trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số vùng nông nghiệp chuyên môn hóa; CCKTNN vùng đã được hình thành và chuyển dịch theo hướng phát huy thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; nhiều vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển như: Vùng sản xuất nhãn tập trung ở các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên; vùng trồng cây có múi tập trung ở các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Kim Động, thành phố Hưng Yên; vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ở Văn Giang… Đến nay, toàn tỉnh có 92 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất với quy mô trên 2.800ha, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, các thành phần kinh tế như hợp tác xã, kinh tế trang trại đã chuyển dịch phù hợp với thực tế của địa phương và thị trường. Hình thức sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, hộ nông dân có xu hướng tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất lớn, phát triển trang trại, nông trại. Toàn tỉnh đã hình thành, phát triển 160 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với nông dân đạt hiệu quả cao. Năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các mô hình liên kết tăng lên rõ rệt; thu nhập và tính chủ động trong sản xuất của doanh nghiệp và nông dân tăng lên.
Tạo lập để phát triển
Những kết quả chuyển dịch CCKTNN trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho việc phân bổ, sử dụng đất canh tác. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các địa phương đã chuyển đổi được 9.700ha trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây hàng năm, lâu năm và nuôi thả thủy sản hiệu quả cao hơn. Mặc dù diện tích và sản lượng lúa hàng năm đều giảm nhưng diện tích và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng nhanh, nhất là diện tích cây ăn quả tăng 4.229ha, sản lượng tăng 60.000 tấn so với năm 2015, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 67,3%; nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2020 đạt 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng so với năm 2015.
Chuyển dịch CCKTNN còn tạo động lực để thu hút và phân bổ nguồn vốn đầu tư, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư phát triển vào nông nghiệp tăng từ 992,8 tỷ đồng năm 2015 lên 1.358 tỷ đồng năm 2020. Nguồn vốn từ ngân sách được tập trung đầu tư cho các công trình lớn nhằm hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông nghiệp như dự án nâng cấp mở rộng đê tả sông Hồng, sông Luộc; dự án nạo vét khẩn cấp sông Điện Biên, sông Cửu An – Đồng Quê; các trạm bơm Nghi Xuyên, Liên Nghĩa và Chùa Tổng… Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm và kết hợp nuôi thả thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn, hỗ trợ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động một số cơ sở KHCN góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch CCKTNN của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Giống nông nghiệp được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng; ngoài ra đã có một số công ty, cơ sở đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu nguồn giống của các cơ sở sản xuất. Một số công trình, dự án KHCN được nghiệm thu đưa vào sử dụng có tác động tích cực đến chuyển dịch CCKTNN. Nổi bật là các dự án: Áp dụng các tiến bộ KHCN xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM; ứng dụng công nghệ nano bạc, nano đồng để hạn chế tác hại của côn trùng, chống rụng quả và nứt quả trên cây nhãn; công nghệ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học; sử dụng phân bón vi sinh Power Ant; thụ tinh nhân tạo giống bò, giống gà Đông Tảo; công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh; công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi bằng máy tách phân... Các công trình khoa học và dự án nông nghiệp đã và đang dẫn dắt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tiến bộ và phát triển bền vững. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu được xác lập. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư theo hướng phục vụ đa mục tiêu…
http://baohungyen.vn/kinh-te/202105/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-nghiep-3f743b4/