6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 6,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác tăng 6,46%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 7,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải tăng 12,4%. Một số sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản phẩm may mặc, sắt, thép; bao bì bằng chất dẻo; sản phẩm bằng plastic...
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp trong ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, qua đó tiếp tục tăng trưởng khá. Trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được hơn 150,3 triệu sản phẩm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất sắt, thép đã sản xuất và tiêu thụ được 918,2 nghìn tấn, tăng hơn 7,2% so với cùng kỳ.
Qua phân tích giá trị và sản lượng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Sở Công Thương, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng chậm; hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp phải cắt giảm, thậm chí tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn. Số lượng dự án đầu tư mới vào lĩnh vực công thương có chiều hướng giảm so với năm 2019, tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, vẫn tồn tại không ít dự án đầu tư buộc phải điều chỉnh mục tiêu. Chưa có các dự án quy mô lớn có tác động tạo đột phá, cơ bản các dự án mới hoạt động có quy mô vừa và nhỏ.
Trong 6 tháng cuối năm, Sở Công Thương tập trung cao độ mọi nguồn lực, động viên, khích lệ và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như: Giãn nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay; giảm lãi suất; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... Giải ngân các gói hỗ trợ tài chính cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đối với sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng như các chuỗi sản xuất công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử... Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong cả nước để hình thành các chuỗi sản xuất mới chủ động hơn, ít phụ thuộc và nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chủ động tham mưu với tỉnh nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có liên quan tới việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành. Khẩn trương triển khai các nội dung “Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”; “Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” khi được UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo bước phát triển mới đối với công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, làm nền tảng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) nhằm khai thác tối đa cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường các nước thành viên, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh.
http://baohungyen.vn/kinh-te/202007/thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-san-xuat-cong-nghiep-b4b448a/