Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi từ đất cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Xã Tân Quang (Văn Lâm) từ lâu nổi tiếng là vùng đất có truyền thống trồng các loại cây dược liệu. Hiện nay, cả xã có trên 56ha trồng cây dược liệu, tập trung ở thôn Nghĩa Trai, Tăng Bảo... Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng và tập trung vào những loại cây cho giá trị kinh tế cao như cúc chi, địa liền, hoắc hương, kinh giới, tía tô, mã đề...
Nông dân thu hoạch cây tía tô ở xã Tân Quang (Văn Lâm)
Dừng chân tại cánh đồng thôn Nghĩa Trai, mùi thơm của những loại cây dược liệu toả ra trong không khí khiến bất cứ ai đi qua đều cảm thấy dễ chịu và thích thú. Ông Nguyễn Văn Chính vừa khẩn trương thu hoạch các loại cây kinh giới, tía tô vừa cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có 7 sào ruộng chuyên canh cây dược liệu 2 vụ/năm. Đầu năm tôi thường trồng 3 sào cây kinh giới, tía tô đều là những loại cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch. Các bộ phận của cây như thân, lá, hoa đều có thể phơi khô, xuất bán, trung bình 1 sào trồng cây kinh giới cho thu từ 1,3 - 1,5 tạ khô; hoặc từ 2,5 - 3 tạ khô đối với tía tô. Năm nay, giá bán kinh giới, tía tô khô khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg. Từ tháng 7 âm lịch, tôi trồng toàn bộ 7 sào cây cúc chi đến tháng 11 sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 sào có thể cho thu 80kg cúc chi thành phẩm bán với giá từ 400.000 - 800.000 đồng/kg. Từ 7 sào trồng cây dược liệu, mỗi năm gia đình tôi cho thu khoảng 200 triệu đồng”.
Không chỉ gia đình ông Chính, nghề trồng cây dược liệu đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân trong xã Tân Quang. Theo tính toán của các hộ dân, trung bình 1 sào trồng dược liệu có thể cho thu lãi thấp nhất là 10 triệu đồng/năm, thậm chí lên đến 30 - 40 triệu đồng/năm...
Ông Đào Quang Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, huyện Văn Lâm có 120 - 130ha trồng cây dược liệu với các loại như: cúc chi, hoài sơn, ngưu tất, cốt khí, kinh giới, tía tô, đinh lăng... Những năm qua, huyện đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã trên địa bàn. Trong đó, các mô hình trồng cây dược liệu ở xã Tân Quang, trồng đinh lăng ở xã Việt Hưng, trồng lạc đen ở xã Minh Hải... đã bước đầu thành công và mở ra triển vọng mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú... chuyên thu mua dược liệu của người dân nên đầu ra rất ổn định.
Ông Nguyễn Duy Quý ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê là một trong những người đầu tiên ở thành phố Hưng Yên trồng loại cây dược liệu cà gai leo. Từ 6 sào cà gai leo ban đầu, cuối năm 2017 ông đã thành lập HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu chuyên sản xuất, chế biến cây dược liệu.
Ông Quý cho biết: Hiện nay, HTX đã trồng trên 10ha cây cà gai leo. Đây là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 6 tháng. Các lứa tiếp theo thu hoạch cách nhau khoảng 4 tháng. Cây cà gai leo cũng rất dễ thu hoạch, khi đến kỳ, người trồng chỉ cần dùng máy cắt sát gốc, đem cả thân, cành, lá vào máy xén nhỏ và phơi khô là tiêu thụ được. Các gốc cà gai leo vừa được cắt chỉ cần chăm bón, tưới nước thì cây sẽ mọc lên rất nhanh. Mỗi cây cà gai leo cho thu hoạch trong vòng 4 - 5 năm, sau đó mới phải phá bỏ gốc để trồng mới lại.
Trung bình, 1 sào cà gai leo có thể cho thu hoạch 3,4 - 3,6 tạ khô/năm. Nếu xuất thô cho công ty dược liệu sẽ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn sản xuất trà túi lọc, cao cà gai leo. Sắp tới, HTX còn nghiên cứu sản xuất trà thực phẩm chức năng cà gai leo dạng viên nang... Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng cho HTX, trừ mọi chi phí cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.
Không chỉ tạo nguồn dược liệu quý, HTX còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 12 - 15 lao động thời vụ với mức lương ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/tháng…
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có gần 850ha cây dược liệu, được trồng nhiều nhất ở các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động... Với hiệu quả kinh tế vượt trội từ trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trong tỉnh đang muốn mở rộng sản xuất để tăng thu nhập, đưa các loại dược liệu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Để giải bài toán đầu ra cho dược liệu, hiện một số địa phương đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.