Ngày 14.10, UBND tỉnh ban hành công văn số 2532/UBND – KT2 về việc triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, để bảo đảm khống chế thành công bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tiến tới công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh, không để dịch tái phát trở lại và phát triển đàn lợn ổn định, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20.5.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Công văn số 1941/VPCP – NN ngày 12.7.2019 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh.
Xử lý tiêu hủy dứt điểm các ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi và yêu cầu chủ hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cần phải bám sát thực tế, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp khống chế, tiến tới công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh và không để dịch tái phát trở lại.
Chỉ đạo việc tái đàn và phát triển chăn nuôi đàn lợn trong thời gian tới: Tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: Chuồng trại khép kín, xa nơi ở và cách ly với người ra, vào trang trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; lợn giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y và lấy mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc theo quy định…Tái đàn theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt. Nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng tăng dần. Các hộ, trang trại chăn nuôi lợn xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn bệnh dịch nên dừng chăn nuôi, đồng thời chuyển đổi chăn nuôi sang con vật khác.
Khẩn trương hoàn thành hỗ trợ kinh phí đợt 1 năm 2019 cho các chủ vật nuôi có lợn tiêu hủy. Kinh phí phòng, chống dịch trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính thẩm định). Công tác hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, có sự giám sát của các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân.