
Các đoàn viên công đoàn trên địa bàn huyện Văn Lâm vệ sinh môi trường đường giao thông ở thị trấn Như Quỳnh
Trước đây, ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối ở Văn Lâm, đặc biệt là ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh) và làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo). Trước tình hình đó, huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nghiên cứu, thực hiện các phương án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại hai làng nghề này. Đối với làng nghề tái chế chì Đông Mai, từ tháng 12.2015 đã hoàn thành di dời 100% số cơ sở, hộ gia đình tham gia thu mua, tháo dỡ, tái chì ra khỏi khu dân cư của thôn Đông Mai và di dời xuống Cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai. Cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai bảo đảm khoảng cách đối với khu dân cư, có hạ tầng đồng bộ để xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn. Đối với tồn dư của chất thải do quá trình sản xuất, tái chế chì từ nhiều năm trước đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, xây dựng phương án xử lý trình Chính phủ.
Tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Minh Khai giai đoạn 1 với diện tích 10ha và đã di dời được 143 cơ sở, hộ gia đình ra sản xuất, kinh doanh. Công ty CP 319 Bộ Quốc phòng - Chi nhánh Hưng Yên đã đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Minh Khai giai đoạn 2 với diện tích 17,7ha và sẽ tiếp nhận khoảng 290 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Huyện đã quy hoạch và được tỉnh phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Minh Khai giai đoạn 3 với diện tích gần 52ha. Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng của Cụm công nghiệp Minh Khai giai đoạn 3, sẽ di dời toàn bộ các cơ sở, hộ gia đình còn sản xuất trong khu dân cư thôn Minh Khai ra khu sản xuất tập trung. Đồng thời, UBND thị trấn Như Quỳnh đã tuyên truyền, tổ chức cho các cơ sở tái chế ký cam kết thu gom, lưu giữ, xử lý chuyển giao toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Với lượng rác tồn đọng trong khu dân cư, thị trấn Như Quỳnh đã thực hiện thu gom, không để tràn lan ra lòng, lề đường và xây dựng phương án, đề nghị hỗ trợ kinh phí để vận chuyển về nơi xử lý...
Văn Lâm là huyện công nghiệp phát triển, có nhiều công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt. Huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, có cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Các đơn vị bảo đảm thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, tái chế, xử lý chất thải phát sinh theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Để bảo vệ môi trường trong các khu dân cư, các phòng, ban của huyện, các tổ chức hội, đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi; tích cực tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xử lý các điểm đổ rác thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường...
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình: “5 không 3 sạch”; tuyến đường phụ nữ tự quản; duy trì hoạt động 6 câu lạc bộ nói không với túi nilon; chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các xã tổ chức, xây dựng 173 tuyến đường hoa với chiều dài 45.697m, góp phần tạo cảnh quan trong khu dân cư. Hội Nông dân các cấp phát động hội viên giữ gìn môi trường đường làng ngõ xóm. Các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh... Liên đoàn lao động huyện phát động chương trình Công nhân, viên chức lao động huyện Văn Lâm ra quân bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 1 nghìn công nhân, viên chức, người lao động đến từ 75 công đoàn cơ sở cùng với nhân dân địa phương dọn vệ sinh xung quang khu vực trung tâm huyện và các xã: Trưng Trắc, Lạc Hồng, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh. Kết quả có 20 tuyến đường được phát quang, vệ sinh sạch sẽ, 2 tuyến mương được khơi thông dòng chảy, cảnh quan môi trường được cải thiện rõ rệt.
Cùng với đó, 100% số thôn, khu phố trên địa bàn huyện có tổ, đội vệ sinh môi trường và 1 Hợp tác xã dịch vụ môi trường tại xã Lạc Đạo. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã hỗ trợ 224 xe thu gom rác thải đẩy tay, chuyên dụng, 121 thùng nhựa chứa rác thải cho các xã, thị trấn bố trí tại các khu vực công cộng như: Chợ, trường học, trạm y tế... Trung bình một ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng trên 60 tấn rác thải dân sinh, hàng ngày được tổ, đội vệ sinh môi trường thu gom vận chuyển đến điểm tập kết để mang đi xử lý đúng theo quy định. Ngoài ra, đối với lượng rác thải tồn đọng do một số tổ chức, cá nhân đổ bừa bãi tại một số vị trí trên địa bàn huyện, UBND huyện giao Hạt giao thông huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Công ty Urenco 11 bố trí thu gom, vận chuyển về khu xử lý chất thải Đại Đồng để xử lý. Có 9/11 xã, thị trấn đã tham gia thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình với 6.058/34.166 hộ tham gia.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, huyện Văn Lâm đã giải quyết có hiệu quả và đạt yêu cầu hoàn thành tiêu chí về môi trường. Đến nay 10/10 xã trên địa bàn huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.