Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan tại thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu)
Nơi đầu tiên mà tôi cũng như nhiều khách phương xa muốn đến khi tới xã Hồng Tiến chính là Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan được hoàn thành cuối năm 2005, trên diện tích đất hơn 5 nghìn m2, được xây dựng khang trang theo lối kiến trúc cổ trên khu đất trong đình làng cũ của thôn Vân Nội. Thôn Vân Nội không chỉ là vùng quê có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn là nơi phát tích của dòng họ Hoàng nổi tiếng có 18 đời Quận công. Theo gia phả của dòng họ Hoàng, cụ Hoàng Xuân Đường thân sinh ra bà Hoàng Thị Loan là đời thứ 22 tính từ đời cụ tổ họ Hoàng ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến.
Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan nằm giữa xanh tươi hoa lá, mái ngói cong cong, hồ sen phía trước đã chúm chím nụ hồng, nụ trắng, hương hoa sứ ngan ngát phía đầu hồi... Tại đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật ghi nhận công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan cùng những ảnh hưởng của bà và dòng họ Hoàng tới sự nghiệp sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những tư liệu về dòng họ Hoàng và thân nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi dừng lại ngắm nhìn thật lâu chiếc khung cửi mà bà Hoàng Thị Loan đã ngồi dệt vải, được chế tác theo nguyên mẫu chiếc khung cửi đang trưng bày ở Nam Đàn (Nghệ An). Người mẹ ấy một nắng hai sương, ban ngày cày cuốc ngoài ruộng đồng, đêm đến lại miệt mài ngồi bên khung cửi dệt vải, miệng hát ru con... Cả tuổi thanh xuân của mình, người mẹ hiền thảo ấy đã dành để chăm lo cho chồng, cho con, để chồng yên tâm dùi mài kinh sử, để các con có được những năm tháng tuổi thơ êm đẹp. Trong gian nhà thoảng mùi hương trầm, tôi trân trọng ngắm nhìn từng kỷ vật, chợt thoáng nghe bên tai như có tiếng khung cửi lách cách thoi đưa của người mẹ hiền ngày nào, cả tiếng hát ru à ơi bên cánh võng đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé của một vĩ nhân lịch sử... Và có lẽ, cũng một phần bởi tình cảm với mảnh đất quê hương thân mẫu mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Một phần tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan hiện nay đang được dành để trưng bày, giới thiệu những hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hưng Yên.
Bước ra từ khu nhà thờ ấm áp khói hương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển sôi động của xã Hồng Tiến hôm nay. Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội mấy chục năm về trước, Hồng Tiến vẫn còn là một trong những xã thuần nông, nhiều khó khăn của huyện Khoái Châu. Trong xã vẫn còn nhiều hộ đói nghèo, đường làng ngõ xóm chật hẹp, chủ yếu là đường đất, người dân địa phương phải bôn ba khắp nơi làm ăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2011, khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới chỉ có 6 - 7 tiêu chí cơ bản đạt. Song, nhờ phát huy được lợi thế về vị trí, giao thông, nguồn lực con người, nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã mà Hồng Tiến giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới.
Hiện nay, nông nghiệp chỉ còn chiếm 25% trong cơ cấu kinh tế của xã, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - xây dựng - thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế. Nhiều ngành nghề như: Sản xuất đồ gỗ, cơ khí, may mặc, chế biến thực phẩm, kinh doanh hàng tiêu dùng... đã trở thành thế mạnh của địa phương. Người dân xã Hồng Tiến đã có thể tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đã đạt 45 triệu đồng, đứng trong “top” đầu của huyện Khoái Châu. Năm 2019, xã phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người lên 48 triệu đồng. Hôm nay, Hồng Tiến đang vững bước trên đường về đích nông thôn mới, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới với nhiều tiêu chí có chất lượng tốt như: Giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm... Năm 2019, xã có kế hoạch tập trung nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa với tổng kinh phí khoảng gần 14 tỷ đồng, quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.
Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, không thể không nhắc đến sự đổi thay về đời sống văn hóa, tinh thần, sự đổi thay trong nếp sống văn minh, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp trong mỗi xóm làng nơi đây. Xã có 5/6 thôn được công nhận làng văn hóa, mỗi làng đều xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Trong thôn, người dân có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có khu vui chơi thể thao quần chúng. Đặc biệt, thôn nào cũng xây dựng được tuyến đường hoa, cây xanh, thành lập các tổ, đội tự quản về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông...
Đi giữa nắng vàng tháng Năm trên quê hương thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm nhận nơi nơi tươi đẹp, nhà nhà đổi mới hòa cùng sự chuyển mình mạnh mẽ của huyện, của tỉnh, càng thấy quê hương, đất nước thêm rạng rỡ ngập tràn sức sống.