Các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình cụ thể. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định. Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực hệ thống thú y bảo đảm thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu với chính quyền cơ sở; chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo quy định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cần phải bám sát thực tế, diễn biến của bệnh dịch để chỉ đạo cho hiệu quả; cần phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, tập trung bảo vệ các cơ sở chăn nuôi lớn. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch…