
Biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp
Tháo gỡ khâu yếu
Một trong những khâu yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh lâu nay là việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp.
Hiện Hưng Yên có khoảng 54 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất canh tác, diện tích mặt nước nuôi thủy sản có trên 5000ha. Sản lượng lương thực đạt khoảng 470 nghìn tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt gần 420 nghìn tấn, sản lượng ngô và các loại cây trồng khác đạt 50 nghìn tấn. Ngoài ra, mỗi năm ngành chăn nuôi, thủy sản xuất chuồng trung bình trên 580 nghìn con lợn, 8,5 triệu con gia cầm và trên 40 nghìn tấn thủy sản. Sản xuất nông nghiệp đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức lớn: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được chỉ rõ là do các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn còn ít. Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân còn yếu, lỏng lẻo, số hợp tác xã tham gia liên kết còn khiêm tốn, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp….
Vì thế tổ chức lại sản xuất là cần thiết, theo hướng tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để tập trung đất đai, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giải quyết tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Từ thực tiễn đó, HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là cần thiết đối với phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Mức hỗ trợ đến 100%
Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; chính sách hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 1 dự án liên kết.

Khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Cụ thể, chủ trì liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng cho 1 dự án liên kết.
Dự án liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết… Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng cho 1 dự án liên kết.
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 1 dự án liên kết, gồm:
- Hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, tham quan, 50% chi phí xây dựng mô hình khuyến nông trình diễn, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng.
- Hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng.
- Hỗ trợ 100% chi phí giáo trình, học phí đào tạo nghề, 100% chi phí tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất… mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng.
- Hỗ trợ 50% giống, 30% vật tư, 100% bao bì, nhãn mác cho nông dân tham gia dự án liên kết; tổng mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng… Hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa 3 năm.
|
Điều kiện được hỗ trợ là, các bên tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuộc danh mục ngành hàng, sản phẩm khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ do UBND tỉnh quy định; liên kết bảo đảm ổn định: Đối với ngành hàng sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng từ 1 năm trở lên, thời gian liên kết tối thiểu là 5 năm. Đối với ngành hàng sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng dưới 1 năm, thời gian liên kết tối thiểu là 3 năm…
Chính sách này được thực hiện sẽ ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia liên kết và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.