|
Cầu Hưng Hà (Ảnh: Minh Quang) |
Dự án cầu Hưng Hà có tổng mức đầu tư hơn 2,8 nghìn tỷ đồng; bằng các nguồn vốn vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án cầu Hưng Hà có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 6,1km, trong đó phạm vi cầu có chiều dài hơn 2,1km; điểm đầu tại Km 24+950 giao cắt với QL39 (Km 38+732, thuộc địa phận xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), điểm cuối tại Km 31+115,77 giao cắt với đường dẫn của cầu Thái Hà (Km 1+028,01, thuộc địa bàn xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Cầu Hưng Hà được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tải trọng thiết kế HL93, bề rộng cầu 22,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; hệ thống đường gom, đường tránh dưới đê…
Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long – đơn vị quản lý điều hành dự án cầu Hưng Hà cho biết: Dự án cầu Hưng Hà được khởi công tháng 5.2016. Theo hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5.2019. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công đã hoàn thành phần cầu chính vào tháng 5.2018 và đường dẫn hai đầu cầu trong tháng 11.2018. Đến nay, các hạng mục dự án đã hoàn thành, bảo đảm đưa vào khai thác.
Cùng với dự án cầu Hưng Hà, dự án đường nối hai đường cao tốc được hoàn thiện trong tháng 12.2018, bảo đảm tiến độ và sự đồng bộ với dự án cầu Hưng Hà. Ông Lê Ngọc Hưng: Trưởng ban Quản lý dự án đường nối hai đường cao tốc (Sở GTVT) cho biết: Dự án đường nối hai đường cao tốc đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam. Dự án có điểm đầu tại nút giao đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), điểm cuối tiếp nối nút giao Liêm Tuyền (dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tổng chiều dài dự án là 47,7km. Trong đó, dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 24km, điểm đầu tại xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), điểm cuối tại xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Quy mô dự án theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế châm chước V=80Km/h. Mặt cắt ngang gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, tổng chiều rộng nền đường 25m, những đoạn đi qua khu đô thị và khu dân cư quy mô nền đường rộng 26m. Sau khi được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh, dự án thành phần 1 đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 2,68 nghìn tỷ đồng.
|
Đường nối hai đường cao tốc tạo sự kết nối giao thông đồng bộ |
Trước sự kiện đưa vào sử dụng 2 dự án giao thông quan trọng trên, niềm vui của nhân dân các địa phương trong vùng có dự án đi qua và các địa phương lân cận, người tham gia giao thông như được nhân đôi. Bởi dự án cầu và đường được đưa vào sử dụng góp phần tiết kiệm thời gian đi lại trong việc giao thương giữa các vùng. Bác Hoàng Thị Lê, một người dân sinh sống tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) phấn khởi cho biết: “Tết này, niềm vui của chúng tôi được nhân đôi, khác hẳn với Tết mọi năm vì đã có cầu mới, đường mới để đi lại. Cầu Hưng Hà và đường nối hai đường cao tốc hoàn thành không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại mà còn góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển sản xuất của người dân.
Đánh giá về việc đưa vào sử dụng, khai thác dự án cầu Hưng Hà và đường nối hai đường cao tốc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Cầu Hưng Hà và đường nối hai đường cao tốc hoàn thành bảo đảm về tiến độ, chất lượng, mỹ quan, có sự chỉ đạo, quan tâm của các bộ, ngành của Trung ương và của tỉnh. Tỉnh đã dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Các ngành, địa phương có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho dự án. Đặc biệt, đại bộ phận nhân dân đã chung sức, đồng thuận góp phần để dự án được triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ. Cầu Hưng Hà và đường nối hai đường cao tốc hoàn thành là biểu tượng, hình ảnh đẹp của tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam và của vùng. Các dự án này sẽ tạo điều kiện cho hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam và các tỉnh lân cận đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Đặc biệt, hai dự án trên có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam; tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, giảm tải phương tiện cho các QL1 và QL5 và rút ngắn quãng đường, thời gian cho các phương tiện từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Đông Bắc bộ và ngược lại.