|
Ông Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong (Ân Thi) đang thu hoạch nhãn chín sớm |
Thời điểm này, theo chân các thương lái về mua nhãn chín sớm tại xã Bình Minh (Khoái Châu), chúng tôi có dịp được tận mắt ngắm nhìn và thưởng thức nhãn từ những vườn nhãn chín sớm của người dân nơi đây. Nhãn chín tới đâu đều được thương lái, khách lẻ tới mua nhanh chóng.
Anh Nguyễn Văn Cường, một thương lái ở Hà Nội cho biết: “Năm nào tôi cũng về xã Bình Minh tìm mua nhãn chín sớm, năm nay, từ cách đây hơn một tuần tôi đã có nhãn Khoái Châu để bán ở thị trường Hà Nội. Nhãn chín sớm được khách hàng rất ưa chuộng, hàng bán nhanh mà được giá bởi là nhãn đầu mùa và chất lượng nhãn rất thơm, ngon”.
Thăm những vườn nhãn ở xã Bình Minh, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì trong vườn không chỉ có 1 lứa nhãn mà có tới 2, 3 lứa nhãn liền kề nhau. Nhãn chín sớm kích cỡ quả khá to, cùi dày, hạt vừa, vị ngọt đậm và đặc biệt là vỏ quả màu nâu vàng nhìn rất bắt mắt.
Ông Chu Văn Vang ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh cho biết: “Gia đình tôi có 2,7 mẫu trồng nhãn, trong đó có gần 2 mẫu trồng giống nhãn chín sớm. Đến thời điểm này, tôi đã thu hoạch được trên 1 tấn nhãn. Nhãn chín sớm tự nhiên, chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, nên dù giá bán tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn nhãn chính vụ nhưng thu hút nhiều khách hàng”.
Huyện Khoái Châu hiện có hơn 1.600ha nhãn, trong đó số diện tích nhãn chín sớm nằm rải rác ở các xã như: Hàm Tử, Đông Kết, Bình Minh...
Từ cuối tháng 5 âm lịch, tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong (Ân Thi) đã nườm nượp khách ra vào mua nhãn chín sớm. Giá nhãn ông Phi bán tại vườn vào thời điểm này là từ 35.000 – 60.000 nghìn đồng/kg, gấp khoảng 3 lần so với dịp thu hoạch chính vụ.
Chỉ tay vào những chùm nhãn sai trĩu cành, ông Phi cho biết: “Nhà tôi có 1 mẫu trồng nhãn, trong đó có 15 cây nhãn sớm. Đây đều là giống nhãn chín sớm tự nhiên, trong quá trình chăm sóc tôi không dùng bất cứ loại thuốc kích thích nào để “thúc” nhãn ra hoa, đậu quả”.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng nhãn, ông Phi đã nhân được giống nhãn đầu dòng có cả trà chín sớm, trà trung và trà chín muộn.
Ông Phi áp dụng kỹ thuật khoa học vào các khâu chăm sóc cây nhãn trước, trong và sau khi thu hoạch. Quả nhãn có mẫu mã to đẹp, cùi dày, giòn, vị ngọt và có mùi thơm đặc trưng.
Do giống nhãn sớm thường ra hoa vào thời điểm có mưa phùn nhiều nên tỷ lệ đậu quả không cao, năng suất thấp hơn nhãn chính vụ khoảng 30 - 40%. Để bảo đảm năng suất, ngoài việc áp dụng các biện pháp như cuốc rễ, khoanh cành, bí quyết của ông Phi là phải “điều khiển” làm sao cho cây ra lộc 2 lần trước khi phát giò hoa. Ngoài lựa thời điểm thu hoạch, ông Phi còn điều chỉnh bằng chế độ chăm sóc để giảm độ đường trong quả. “Nếu bón ít ka-li có thể giảm độ đường trong quả. Dù là cùng một loại nhãn, cùng một vườn nhưng tôi có thể điều chỉnh với độ ngọt ở mỗi cây khác nhau”, ông Phi chia sẻ.
Những năm qua, bằng kinh nghiệm và biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh nhãn, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã dần “làm chủ” được việc ra hoa đậu quả của cây nhãn. Không chỉ “điều khiển” được nhãn ra hoa đậu quả, người trồng nhãn còn rải vụ thu hoạch nhãn với 3 trà: nhãn trà sớm, trà chính và trà muộn. Trong đó, nhãn trà sớm và trà muộn thường có giá bán cao hơn nhãn trà chính vụ.
Theo thống kê của các địa phương, đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 3.000 ha nhãn, chủ yếu ở các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên, trong đó một diện tích nhỏ cho thu hoạch sớm.