|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô tại hội đàm hẹp. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN) |
Ngày 11-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa, từ ngày 8 đến 10-6, theo lời mời của Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Ca-na-đa, ngày 10-6, tại thành phố Kê-bếch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô. Tại hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng G.Tru-đô đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa; chúc mừng về thành công của Hội nghị; đồng thời đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ca-na-đa trên cương vị nước chủ nhà Hội nghị, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc xử lý các thách thức toàn cầu. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ca-na-đa về sự ủng hộ quý báu dành cho nhân dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Ca-na-đa.
Thủ tướng G.Tru-đô khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Ca-na-đa tại khu vực; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam vào thành công của Hội nghị cấp cao G7 mở rộng, nhất là các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác nâng cao khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Ca-na-đa, trong đó nổi bật là việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện hồi tháng 11-2017, cùng ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tháng 3-2018 và đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định này. Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, trong bối cảnh hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung cả trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy quan hệ kênh Đảng và Quốc hội nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy; triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư và hỗ trợ phát triển, phối hợp triển khai Hiệp định CPTPP; hợp tác huấn luyện, đào tạo, quân y, khắc phục hậu quả chiến tranh, chống khủng bố, an ninh mạng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tạo thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tập tại Ca-na-đa; Ca-na-đa lập văn phòng đại diện về giáo dục tại Việt Nam; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, chế biến nông sản, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Ca-na-đa phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho thịnh vượng của Ca-na-đa, Việt Nam và sự phát triển của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ca-na-đa (1973 - 2018), trong đó có Tuần Văn hóa Việt Nam tại Ca-na-đa.
Hai Thủ tướng hoan nghênh các đối tác hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; phát triển hạ tầng giao thông, góp phần hiện thực hóa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí duy trì và tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), ASEAN, cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nước cùng quan tâm. Hai bên nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thượng tôn pháp luật, vững mạnh, thịnh vượng và hoan nghênh những sáng kiến của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ tăng cường phát triển quan hệ giữa Ca-na-đa và ASEAN, hoan nghênh việc Ca-na-đa đẩy mạnh quan hệ gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
* Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa, trang mạng Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Ca-na-đa (APF Canada) đăng bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng về những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế biển với đường bờ biển dài 3.260 km và nằm ở vị trí địa - chiến lược rất quan trọng trên tuyến đường giao thương quốc tế kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Kinh tế biển và phát triển hướng ra biển là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua, với tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu.
Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu nêu trên, theo Thủ tướng, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách, kế hoạch và biện pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển. Cụ thể là: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật và quy hoạch về biển và hải đảo; triển khai tốt Luật Biển, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định liên quan biển. Việt Nam đã ký và tham gia nhiều công ước, thỏa thuận quốc tế về biển nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế biển. Thứ hai, thực hiện đồng bộ các chính sách nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ biển; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng biển phục vụ kinh tế biển như các tuyến đường ven biển, hệ thống cảng biển… Thứ ba, bảo vệ môi trường, sinh thái biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển là chủ trương nhất quán trong chiến lược biển của Việt Nam với nguyên tắc “sử dụng và khai thác” đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào củng cố hòa bình, ổn định trên các vùng biển. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của quốc tế nhằm thiết thực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam kiên trì giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.
Về những thông điệp, sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Với tinh thần là bạn và đối tác tin cậy, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề quan tâm chung của quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Việc Việt Nam được mời dự các hội nghị mở rộng của G20 và G7 gần đây cho thấy quốc tế ghi nhận tích cực vai trò cũng như nỗ lực, đóng góp của Việt Nam vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực, thúc đẩy các lợi ích chung, xử lý các thách thức chung của thế giới và khu vực.
Theo Thủ tướng, Việt Nam được Ca-na-đa mời dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng năm 2018 vừa là bước phát triển mới của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Ca-na-đa, vừa cho thấy vai trò, vị thế cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tại Hội nghị, Việt Nam đã đóng góp thực chất và có trách nhiệm trong thảo luận nhiều nội dung quan trọng, nhất là thúc đẩy thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường sinh thái biển; ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương. Việt Nam cũng đề xuất cộng đồng quốc tế thảo luận khả năng tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương tương tự Thỏa thuận Pa-ri; đề nghị thành lập một diễn đàn hợp tác mở rộng giữa G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Các sáng kiến của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của cộng đồng quốc tế và được nhiều nước hoan nghênh và ghi nhận tích cực.