Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối nhiều tuyến đường ở Hưng Yên với hệ thống đường quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho biết: Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 4-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XVIII về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều thay đổi và phát triển nhanh. Các công trình, tuyến đường giao thông quốc gia, đường tỉnh, đường huyện đã được cải tạo, nâng cấp tạo thành một mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, góp phần đưa Hưng Yên thay đổi diện mạo mới, vị thế mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình, giai đoạn I tuyến đường nối đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã phát huy hiệu quả cao, kết nối nhiều tuyến đường trong tỉnh Hưng Yên với hệ thống đường cao tốc trong khu vực phía bắc. Khu vực phụ cận tuyến đường này có ba khu công nghiệp, gồm: khu công nghiệp sạch, diện tích hơn 143 ha; khu công nghiệp số 3, có diện tích hơn 159 ha; khu công nghiệp số 1, diện tích hơn 263 ha, thuộc khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020. Đây là điểm nhấn, tạo sự phát triển đột phá về hút đầu tư, kinh tế của tỉnh Hưng Yên trong những năm tới.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, các cấp, các ngành ở tỉnh Hưng Yên đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU: hoạch định đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung hoàn thành xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đưa vào hoạt động các tuyến đường quan trọng: tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu Hưng Hà; cầu La Tiến, đường ĐT 376 (tỉnh lộ 200), đường đê tả sông Hồng…
Đồng thời, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được quan tâm, đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, cải tạo, nâng cấp được hơn 190 km đường huyện và cầu, hơn 241 km đường xã và cầu, hơn 621 đường thôn, xóm, đường nội đồng; đưa tỷ lệ đường huyện được trải nhựa, hoặc bê-tông đạt 97,7%; đường xã đạt 99,2%; đường thôn, xóm, đường nội đồng được cứng hóa đạt 84,3%... 100% số xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có tốc độ phát triển kinh tế khá cao; có 10 khu công nghiệp đã được phê duyệt và ba khu công nghiệp được Thủ Tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 nên có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp-dịch vụ, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Do vậy, mạng lưới giao thông của tỉnh Hưng Yên cần được xây dựng và kết nối tốt hơn nữa với hệ thống giao thông lớn của thủ đô Hà Nội và khu vực.
Để tiếp tục hoàn hiện hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh Hưng Yên đã và đang chuẩn bị khởi công các dự án lớn: giai đoạn II dự án đường nối đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường vành đai 4, vành đai 3,5; dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 39, từ nút giao Lý Thường Kiệt đến Quốc lộ 5 nối vào trục kinh tế bắc - nam của tỉnh; đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên.
Các tuyến đường tỉnh, tập trung thi công và hoàn thành các dự án: Đầu tư cải tạo, nâng cấp ĐT.387; cải tạo, nâng cấp ĐH.17 và kéo dài đến ĐT.379; dự án cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến ĐT.382B (đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng); dự án cải tạo nâng cấp ĐT.378 đoạn đê sông Luộc. Triển khai các thủ tục và chuẩn bị khởi công được các dự án: Cải tạo, nâng cấp ĐT.379 theo quy mô cấp II; dự án đường trục kinh tế bắc - nam của tỉnh từ nguồn vốn OFID; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 378 đoạn đê sông Hồng giai đoạn 2.
Chuẩn bị đầu tư một số dự án: Một số đoạn đường gom cấp bách trên các tuyến quốc lộ: 5, 38, 39; dự án đường bên đường nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn, phấn đấu đạt mục tiêu 100% các tuyến đường huyện, đường liên xã được trải nhựa hoặc bê-tông xi-măng; 100% đường trong thôn, xóm và các tuyến chính đường nội đồng được cứng hóa, hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tập trung của tỉnh, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA. Chú trọng và đẩy mạnh khai thác nguồn vốn của các nhà đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT cho các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho các dự án giao thông thực hiện theo chương trình vốn vay, vốn trung ương hỗ trợ, vốn ODA.
Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình hỗ trợ để đầu tư cho giao thông nông thôn. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhà đầu tư, nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn nhất là giao thông đường xã, thôn, xóm và đường ra đồng. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và nghiên cứu dự án đầu tư theo hình thức PPP, BT, BOT.
Có chính sách phù hợp theo quy định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư. Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội, tăng giá trị sử dụng đất tại các địa phương từ đó tiếp tục tạo ra quỹ đất để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cắm mốc giới quy hoạch các tuyến đường theo quy hoạch đã được phê duyệt; Quy hoạch sử dụng đất cho kết cấu hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành và các địa phương để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng….
https://beta.nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/huy-dong-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-dau-tu-cho-giao-thong-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-609314/